.

Thêm một lò phản ứng gặp sự cố, Nhật Bản gấp rút đối phó khủng hoảng

.
(ĐNĐT) - Hàng trăm nghìn người đã sơ tán khỏi khu vực bị ảnh hưởng của nhà máy điện hạt nhân sau vụ nổ và rò rỉ phóng xạ xảy ra. Chính quyền Nhật Bản giờ đang đối mặt với một mối đe dọa khác nữa vào ngày 13-3, bởi hệ thống làm mát của lò phản ứng khác đã hỏng, trong khi số người chết có thể lên đến 2.000 người.

phongxa-reu.jpg
Kiểm tra phóng xạ cho một người dân gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Ảnh: Reuters
 
Công ty Điện lực Tokyo cho biết đang chuẩn bị cho thoát một ít hơi nhằm giảm áp suất trong lò phản ứng số 3 tại nhà máy Fukushima, cách Tokyo 240 km về phía bắc. Nhà máy này có thể rò rỉ một ít phóng xạ sau vụ nổ và rò rỉ chiều hôm qua tại lò phản ứng số 1.

Sáng 13-3, một quan chức Chính phủ Nhật nói rằng, tình trạng nóng chảy có thể xảy ra trong số các lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân. Sự việc đang gây lo sợ về sự lan rộng của các chất phóng xạ vào thời điểm mà các nhân viên cứu hộ đang nỗ lực hết mình để tìm kiếm những người sống sót sau thảm họa động đất và sóng thần.

Toshihiro Bannai, một quan chức của Cơ quan an toàn nguyên tử và công nghiệp Nhật Bản, cho biết người ta đã bơm nước biển và chất Bo (một nguyên tố thiếu hụt điện tử) vào bên trong lò phản ứng tại nhà máy Fukushima nhằm làm mát nhiên liệu hạt nhân trong đó. Ông tin tưởng rằng các nỗ lực nhằm ngăn ngừa thảm họa đó sẽ thành công.

160 người nhiễm phóng xạ, 180.000 người được sơ tán
 
Chính phủ Nhật Bản đảm rằng mức phóng xạ vẫn thấp sau vụ nổ chiều 12-3, rằng vụ nổ đã không ảnh hưởng đến gian chứa lõi của lò phản ứng, đồng thời Cơ quan Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết họ đã được Nhật Bản thông báo rằng “các mức phóng xạ đã giảm đi trong những giờ gần đây”.

Tuy vậy, cơ quan nguyên tử Nhật nói rằng, số người phơi nhiễm phóng xạ tại nhà máy Fukushima Daiichi có thể lên đến 160. Các công nhân mặc bảo hộ lao động đang kiểm tra những người đến các trung tâm sơ tán để phát hiện những trường hợp nhiễm phóng xạ. Hiện những nỗ lực mạnh mẽ đang được tiến hành nhằm loại trừ các mối đe dọa sự nhiễm bẩn lan rộng.

IAEA cho biết, giới chức Nhật Bản đã lệnh sơ tán dân trong vòng bán kính 20 km chung quanh nhà máy và 10 km chung quanh các cơ sở hạt nhân khác gần đó. Khoảng 180.000 người đang được sơ tán khỏi khu vực. Trong khi đó, chính quyền đang chuẩn bị phân phát i-ốt để bảo vệ người dân khỏi phơi nhiễm phóng xạ.

“Đã có rò rỉ phóng xạ, và vì vậy khả năng bị phơi nhiễm là rất cao, thật đáng sợ”, Masanori, 17 tuổi, đang đứng xếp hàng chờ được kiểm tra phóng xạ tại một trung tâm sơ tán ở tỉnh Fukushima.

Trước các tin tức về vấn đề tại lò phản ứng hạt nhân số 3, cơ quan nguyên tử Nhật nói rằng, sự cố tại nhà máy không nghiêm trọng hơn sự cố Three Mile Island vào năm 1979 và vụ nổ nhà máy Chernobyl năm 1986.

Một quan chức cho biết, vụ nổ hôm qua xếp ở cấp độ 4 theo thang đo Sự kiện phóng xạ nguyên tử quốc tế. Vụ nổ Three Mile Island cấp 5 và vụ Chernoby được xếp cấp 7, cấp cao nhất.

Bờ biển bị phá hủy, số người chết có thể lên đến 2.000

Hãng tin Kyodo sáng 13-3 cho biết, số người chết hoặc mất tích có thể sẽ vượt 2.000 người. Ngoài ra, đã mất liên lạc với gần 9.500 người tại Minamiruki, bằng một nửa dân số của thị trấn. 
Mô tả ảnh.
Nhật Bản ngổn ngang sau động đất, sóng thần. Ảnh: AP
Giữa lúc các đợt dư chấn còn tiếp diễn làm rung chuyển đảo Honshu, cuộc tìm kiếm những người sống sót vẫn căng thẳng và số người chết dự kiến sẽ tăng.

Hàng nghìn người phải qua đêm ngoài trời lạnh cóng đến nỗi họ phải chen chúc nhau tại các lò sưởi tại các lều trú khẩn cấp dọc theo bờ biển phía đông bắc Nhật Bản, nơi đã bị tàn phá tan hoang bởi trận động đất 8,9 độ Richter và một cơn sóng thần 10 mét tràn vào các thị trấn và các thành phố.

Dọc theo bờ biển vùng đông bắc, các công nhân đang tìm kiếm trong những đống đổ nát của nhà cửa, xe cộ, tàu thuyền để tìm những người mất tích tại những vùng chịu nặng nề nhất như thành phố Sendai, cách Tokyo 300 km về phía bắc.

Tại Iwanuma, không xa Sendai, các y tá, bác sĩ đang cấp cứu những người phát đi tín hiệu SOS trên mái của một bệnh viện đã bị sập một phần. Tại các thành phố và thị trấn, những người thân đang lo lắng và tìm kiếm trên bảng thông báo những người sống sót tại các trung tâm lánh nạn.

Kyodo cho biết, 300.000 người đã sơ tán trên toàn quốc, 5,5 triệu người sống trong cảnh không điện, 3.400 ngôi nhà bị phá hủy hoặc hư hỏng. Ngoài ra, 4 đoàn tàu đã mất liên lạc sau trận sóng thần.

Tại thành phố Tokyo, nơi thường ngày vốn nhộn nhịp, đã vắng bóng người vào tối 12-3, một vài người trong các quán bar và nhà hàng đều dán mắt vào các bản tin thảm họa.

Thảm họa đã xảy ra giữa lúc nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang có dấu hiệu phục hồi sau một đợt suy thoái vào quý 4 năm ngoái. Thảm họa đã ảnh hưởng đến nhiều ngành công nghiệp then chốt và một nguồn ngân sách khổng lồ cần thiết để sửa chữa có khả năng lên tới hàng chục tỷ USD.

Quang Hiển (Theo Reuters, CNN)
;
.
.
.
.
.