Đối mặt với thách thức lớn nhất trong 42 năm nắm quyền, Tổng thống Muammar Gaddafi khẳng định: Tất cả người dân Libya đều yêu mến ông và sẽ chết để bảo vệ người đứng đầu đất nước.
Bất chấp áp lực từ trong nước và quốc tế, Tổng thống Gaddafi vẫn từ chối việc từ chức. Phát biểu trên đài ABC và kênh BBC, nhà lãnh đạo nắm quyền suốt 42 năm này bác bỏ các cáo buộc ông dùng vũ lực để chống lại những người biểu tình. Chính phủ của ông Gaddafi hiện chỉ kiểm soát Tripoli, một số vùng phía tây xung quanh thủ đô và một vài pháo đài ở vùng khô hạn miền Nam. Những khu vực dầu mỏ chính ở phía đông đã rơi vào tay phe đối lập.
Ngày 1-3, lực lượng trung thành với Tổng thống Muammar Gaddafi đã tập trung ở phía tây của Libya. Các nhân chứng cho hay, lực lượng này tuy nỗ lực nhưng đã thất bại khi chiếm lại thành phố Zawiya do phiến quân nắm giữ, vốn gần với thủ đô Tripoli nhất. Song, phe biểu tình tuyên bố sẽ không từ bỏ Zawiya với bất kỳ giá nào. Người dân Libya cũng lo sợ phe ủng hộ ông Gaddafi chuẩn bị tấn công để giành quyền kiểm soát Nalut, phía tây Libya, cách biên giới Tunisia 60km, từ tay những người biểu tình chống Chính phủ.
Trong khi đó, Mỹ đang đưa các tàu chiến và không quân tiến sát đất nước Bắc Phi này, bao gồm tàu sân bay USS Enterprise ở Biển Đỏ, tàu tấn công đổ bộ USS Kearsarge, một phi đội trực thăng và 2.000 lính thủy quân lục chiến. Mỹ còn có căn cứ máy bay của hải quân ở Sigonella, trên đảo miền Nam Italia Sicily, cách Libya gần một giờ bay. Hãng Reuters dẫn lời đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Susan Rice cho rằng, ông Gaddafi đã ảo tưởng và không phù hợp để lãnh đạo đất nước. Theo bà Susan, Washington đang thảo luận với các đối tác NATO và những đồng minh khác về các hoạt động quân sự.
Mỹ cũng cho hay, họ đã phong tỏa tài sản khoảng 30 tỷ USD của nhà lãnh đạo Libya Gaddafi cùng gia đình ông. Liên minh châu Âu (EU) cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt quốc tế cứng rắn đối với Chính phủ của Gaddafi, ngoài việc “đóng băng” tài sản còn có việc xem xét tạo ra vùng cấm bay xung quanh Libya. Cộng đồng quốc tế vẫn tiếp tục chỉ trích việc ông Gaddafi dùng vũ lực chống lại người dân nước mình. Đại sứ quán Libya tại Washington đã hạ cờ của Tripoli. Trong động thái phản đối tương tự, Nghị viện châu Âu tiến hành thảo luận về khủng hoảng ở quốc gia Bắc Phi này. Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố không loại trừ khả năng sử dụng quân sự với Libya. Ông nhấn mạnh: Sự ra đi của Gaddafi là ưu tiên cao nhất của nước Anh.
Mối quan ngại về thảm họa nhân đạo cũng đang gia tăng. Hơn 100.000 người đã rời Lybia để đến Ai Cập và Tunisia. Tuy số người chết do LHQ công bố là 1.000 người trong các cuộc giao tranh giữa lực lượng Chính phủ và phe nổi dậy, nhưng con số thật sự vẫn chưa rõ. Đại sứ Libya ở Mỹ ước tính con số này có thể lên đến 2.000 người.
Sự tức giận đối với chế độ độc tài Arab ở Trung Đông và Bắc Phi đã nổ ra từ Algeria đến Yemen, đồng thời lan sang các quốc gia vùng Vịnh khác như Djibouti, Kuwait và Oman. Cũng trong ngày 1-3, những người biểu tình tiến hành các cuộc biểu dương lực lượng mới ở Yemen, Bahrain, Oman và Iran.
PHÚC NGUYÊN