Can thiệp giới hạn?
Bị chỉ trích vì can thiệp vào nội bộ Libya, phát biểu tại Đại học Quốc phòng quốc gia, Tổng thống Obama đã biện minh về sự can thiệp quân sự giới hạn của Mỹ ở Libya. Nhà lãnh đạo này cho biết, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ tiếp quản quyền chỉ huy toàn bộ hoạt động tại quốc gia Bắc Phi, giữ đúng cam kết của ông về việc Mỹ nhanh chóng rút vai trò lãnh đạo liên quân. Theo đó, Washington sẽ đóng vai trò hỗ trợ hậu cần, tình báo, tìm kiếm cứu nạn... Song, ông chủ Nhà Trắng vẫn không đưa ra thời gian cụ thể kết thúc cuộc chiến, cũng không có thông tin cụ thể gì về khoản chi phí rót vào chiến trường Libya.
Tổng thống Obama bác bỏ việc gọi chiến dịch quân sự vốn do Mỹ cầm đầu chống Libya là “chiến tranh”. Ông cho rằng, hành động này vì lợi ích quốc gia của Mỹ và các đồng minh buộc phải dùng vũ lực. Theo lý giải của chủ nhân giải Nobel Hòa bình năm 2009, sự can thiệp quân sự của Mỹ vào Libya nhằm ngăn chặn việc Tổng thống Muammar Gaddafi chống lại lực lượng nổi dậy, đồng thời giúp Libya tránh khủng hoảng tị nạn khi người dân ở đất nước này lánh nạn tại Ai Cập và Tunisia. Ông nhấn mạnh: Khi những lợi ích và giá trị của Mỹ đang lâm nguy, Washington có trách nhiệm hành động.
Tránh “kịch bản Iraq”
Tổng thống Obama cam kết sẽ phối hợp với các đồng minh để thúc giục ông Gaddafi từ bỏ quyền lực nhưng sẽ không dùng vũ lực lật đổ Chính phủ Libya, như người tiền nhiệm G.W.Bush từng làm trong cuộc chiến tranh Iraq vào năm 2003. Ông chủ Nhà Trắng thậm chí cho rằng, mở rộng sứ mệnh quân sự tại Libya bao gồm việc thay đổi chế độ sẽ là một sai lầm. Ông tuyên bố Washington không thể tiếp tục gánh chịu những chi phí tốn kém tương tự như gánh nặng của cuộc chiến ở Iraq, thông qua việc tìm cách dùng sức mạnh quân sự nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Libya Gaddafi. Theo ông Obama, khi sử dụng sức mạnh quân sự, liên minh sẽ bị chia rẽ, quân đội Mỹ sẽ phải tham chiến và nạn nhân không ai khác chính là người dân Libya. Cái giá phải trả còn là trách nhiệm của liên quân thời hậu chiến, và như vậy kịch bản Iraq đã được lặp lại.
Ông Obama nhấn mạnh sự thay đổi chế độ ở Iraq không những đã phải mất 8 năm mà còn kèm theo hàng nghìn sinh mạng người Mỹ, người Iraq và gần 1.000 tỷ USD. Vì thế, “kịch bản” đó không nên được lặp lại ở Libya.
“Chúng ta sẽ cấm vận vũ khí, cắt nguồn cung cấp tiền mặt, hỗ trợ phe đối lập và hợp tác với những nước khác để thúc đẩy việc ông Gaddafi từ chức”, Tổng thống Obama nói. Song, theo ông, việc từ chức của nhà lãnh đạo nắm quyền gần 42 năm ở Libya sẽ “có thể không xảy ra ngay ngày mai”, nhưng những người bên cạnh ông Gaddafi và với mọi người dân Libya cần hiểu rằng “lịch sử không đứng về phía ông ta”.
Tuy nhiên, chiến dịch của Mỹ chống Libya không giành được sự ủng hộ của đa số người dân Mỹ. Thăm dò mới nhất do Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố cho thấy, chỉ có 9% người Mỹ cho rằng, Washington và các đồng minh có mục tiêu rõ ràng ở Libya, trong khi 50% suy nghĩ ngược lại.
Phương Tây bàn về Libya thời hậu chiến Ngày 29-3, các cường quốc đã nhóm họp tại thủ đô London của Anh để bàn về khủng hoảng tại Libya, tìm kiếm thỏa thuận gây áp lực để nhà lãnh đạo Gaddafi rời bỏ quyền lực và các kế hoạch về tương lai của đất nước Bắc Phi này. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Liên đoàn Arab và 40 Ngoại trưởng cùng đại diện các tổ chức quốc tế khác tham dự hội nghị. Hãng AP dẫn lời Ngoại trưởng Italia Franco Frattini nói rằng, một số quốc gia đệ trình lên bàn nghị sự thỏa thuận chung tiến đến chấm dứt xung đột, thiết lập các đề xuất ngừng bắn, bàn thảo việc ông Gaddafi sẽ lưu vong và khung cho đối thoại về tương lai của Libya. Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đề xuất làm trung gian hòa giải cho một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời, cũng nói rằng đối thoại tại London đề cập đến sự ủng hộ của quốc tế theo kịch bản: Ông Gaddafi sẽ từ nhiệm và sống lưu vong. Mahmoud Jibril, đại diện lực lượng nổi dậy ở Libya, đã được Anh mời đến London. Ngay trước thềm hội nghị, Jibril gặp gỡ Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton với mong muốn mở rộng quan hệ với phe đối lập Libya. Qatar đã trở thành quốc gia Arab đầu tiên công nhận lực lượng nổi dậy ở Libya là đại diện hợp pháp cho người dân nước này, một động thái được cho là có thể dẫn đến “hiệu ứng domino” ở các nước vùng Vịnh khác. Đài truyền hình Libya gọi hành động của Qatar là “sự can thiệp trắng trợn”. |