.

Vòng xoáy chiến tranh toàn diện

.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể bị cuốn vào cuộc chiến toàn diện ở Libya như những gì diễn ra tại Iraq và Afghanistan, đại sứ Nga Dmitry Rogozin nhận định.

Mô tả ảnh.
Biểu tình trước Nhà Trắng phản đối hoạt động quân sự của Mỹ tại Libya.  (Ảnh: THX)
 
NATO đang kiểm soát cấm vận vũ khí ở Libya và thống nhất trong tuần này sẽ nối lại việc chỉ huy vùng cấm bay trên bầu trời quốc gia Bắc Phi. Tổ chức quân sự này với sự tiên phong của Mỹ và Anh sẽ mở những đợt tấn công vào Libya khi các cuộc không kích không buộc được Tổng thống Muammar Gaddafi từ chức. Đến thời điểm này, danh sách các quốc gia tham chiến bao gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Bỉ, Na Uy, Đan Mạch và Canada. Trong động thái lùi bước trước áp lực chỉ trích từ cả trong nước lẫn quốc tế, Mỹ hy vọng sớm chuyển giao quyền kiểm soát các cuộc không kích và khẳng định mong muốn trách nhiệm này được trao lại cho NATO.

Trả lời hãng thông tấn Interfax, đại sứ Nga tại NATO - ông Dmitry Rogozin - dự đoán tổ chức này đang bị cuốn vào cuộc chiến tranh tại Libya. “Chúng tôi dự đoán NATO càng lúc càng bị đẩy sâu vào cuộc chiến ở đất nước Bắc Phi”, ông Rogozin nói. Theo nhà ngoại giao này, Mỹ và các đồng minh thân thiết nhất có thể sa lầy trong cuộc chiến thứ ba như những gì diễn ra ở Iraq và Afghanistan. Nga vốn ủng hộ sự trừng phạt của Liên Hợp Quốc với Chính phủ Tổng thống Gaddafi nhưng đã bỏ phiếu trắng trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an về việc thiết lập vùng cấm bay, theo đó cho phép liên minh phương Tây can thiệp vào Tripoli. 

Ngày 27-3, quân nổi dậy Libya đã thúc đẩy việc giành lại 2 thị trấn Ajdabiya và Brega từ lực lượng Chính phủ. Hãng AFP cho biết, đây là động thái đầu tiên của họ kể từ sau các cuộc không kích của phương Tây. Lực lượng này cũng nhắm đến thị trấn Al-Bisher, cách quê hương Sirte của ông Gaddafi 30km về phía tây. Tại thủ đô Tripoli, người phát ngôn Chính phủ Mussa Ibrahim nói rằng, không kích của liên quân đã làm thêm nhiều binh sĩ và dân thường thiệt mạng dọc theo đường nối Ajdabiya và Sirte. Theo các nhà chức trách Libya, gần 100 thường dân đã chết trong các cuộc không kích. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn ngày 27-3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates lại cáo buộc lực lượng của ông Gaddafi đã ngụy tạo các nạn nhân để đổ lỗi cho liên quân.

Người châu Phi di cư đến Italia

Một chiếc tàu chở khoảng 300 người di cư châu Phi từ Libya ngày 27-3 đã đến Italia. Đây là tàu đầu tiên đưa người dân “lục địa đen” đến châu Âu kể từ khi cuộc chiến của liên quân phương Tây diễn ra nhằm vào Libya. Hãng AFP cho biết, tàu chở hầu hết người Eritrea và Ethiopia, trong đó có 28 phụ nữ và 12 trẻ em, rời thủ đô Tripoli của Libya vào đêm 24-3.

Chiếc tàu thứ hai từ Libya chở khoảng 200 người cũng được cho là đến Italia, nhưng gặp sự cố về động cơ và chưa có thêm thông tin gì. Song, theo các nguồn tin, có từ 4-5 tàu với khoảng 1.000 người cũng trên đường từ Libya đến Italia.

Tại phía đông Libya, các máy bay chiến đấu của Pháp đã phá hủy ít nhất 5 máy bay chiến đấu, 2 trực thăng của ông Gaddafi ở khu vực Zintan và Misrata. Các tàu chiến Anh trước đó cũng phá hủy 5 xe thiết giáp của Libya tại Ajdabiya và Misrata.

Trong lúc đó, chính trường nước Mỹ không mấy thuận lợi cho Tổng thống Barack Obama và quân đội của siêu cường thế giới đang tham chiến tại Libya. Những người biểu tình cuối tuần qua lại tập trung bên ngoài Nhà Trắng để phản đối hoạt động quân sự của Mỹ ở chiến trường Bắc Phi và kêu gọi nhanh chóng rút quân về nước. Những biểu ngữ giăng đầy trước Nhà Trắng mang dòng chữ “Đô-la cho việc làm và trường học, chứ không phải cho chiến tranh ở Libya”, “Ngừng cuộc chiến của Mỹ, Pháp và Anh tại Libya”. Giám đốc của nhóm chống chiến tranh ANSWER, ông Brian Becker, nói rằng các cuộc biểu tình diễn ra trên khắp nước Mỹ, ở Los Angeles, San Francisco... Ông Becker khẳng định: Mỹ không có quyền thả bom xuống Libya và chỉ quốc gia Bắc Phi này mới có thể tự quyết định số phận của mình. Betsy Harmon, một nhà hoạt động của Tổ chức Sự thật 11-9, cho rằng “Libya có dầu” và Mỹ “muốn kiểm soát”.

Tối 28-3 (giờ địa phương), tại Đại học Quốc phòng quốc gia ở Washington, Tổng thống Obama dự kiến phát biểu với công chúng Mỹ về chiến dịch Libya. Trước áp lực phải giải thích về những mục tiêu thật sự trong cuộc chiến, mặc dù ông Obama vẫn ra sức bảo vệ vai trò của Mỹ trong sứ mệnh quân sự quốc tế tại chiến trường Bắc Phi, nhưng theo giới quan sát, nhà lãnh đạo này sẽ không mạo hiểm với tương lai chính trị của mình. Thực tế, theo thăm dò của Viện Gallup, chỉ có 47% người Mỹ ủng hộ hành động quân sự chống Libya, con số quá thấp đối với chiến dịch quân sự của một ông chủ Nhà Trắng. Thâm hụt ngân sách của Mỹ hiện trên 14.000 tỷ USD, những vấn đề rối rắm về Iraq và Afghanistan vẫn chưa được giải quyết trọn vẹn, một mùa bầu cử mới lại đang đến gần. Áp lực cũ và mới chồng chất. Do đó, nếu sa lầy trong một cuộc chiến tranh toàn diện có thể sẽ kéo theo bao hệ lụy cho người đứng đầu Nhà Trắng.

VĨNH AN
;
.
.
.
.
.