Ít nhất 846 người thiệt mạng trong phong trào nổi dậy kéo dài gần 3 tuần ở Ai Cập nhằm lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak và thúc đẩy hiệu ứng lan tỏa của cuộc cách mạng hoa nhài.
Cảnh sát canh giữ nghiêm ngặt bệnh viện ở Sharm el-Sheikh, nơi ông Mubarak điều trị. Ảnh: AFP/Getty Images
|
Báo cáo của Ủy ban Tư pháp thuộc Chính phủ lâm thời Ai Cập mô tả lực lượng cảnh sát đã bắn vào những người biểu tình bằng đạn thật và cho rằng, số người chết thực tế cao gấp đôi so với ước tính trước đó. Các nhà chức trách từng dự đoán số người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình trên khắp Ai Cập là 365 người. Trong 18 ngày nổi dậy lật đổ ông Mubarak (từ ngày 25-1 đến 11-2) còn có khoảng 6.400 người khác bị thương, hàng trăm người bị thương ở mắt và không còn nhìn thấy ánh sáng. AP dẫn nhận định của Chính phủ lâm thời cho rằng, việc Chính quyền dưới thời ông Mubarak dùng vũ lực để trấn áp người biểu tình là nguyên nhân dẫn đến số người thiệt mạng như trên.
Người đứng đầu Ủy ban Tư pháp Omar Marwan cho biết, báo cáo vừa công bố căn cứ vào thống kê của 17.058 quan chức và các nhân chứng cùng 800 đoạn băng video và hình ảnh thu được từ những người có mặt trong dòng người biểu tình.
Ngày 20-4, Tổ chức Ân xá quốc tế nói rằng, Ai Cập phải ngay lập tức điều tra về việc lạm dụng nhân quyền ở Cơ quan An ninh quốc gia - cơ quan tình báo trong nước, dưới thời ông Mubarak. Tháng trước, hàng ngàn người biểu tình đã xông vào Cơ quan An ninh quốc gia ở Ai Cập sau khi có những báo cáo cho rằng, các quan chức đang tiêu hủy tài liệu có thể kết tội họ từng lạm dụng nhân quyền. Trước sức ép biểu tình lớn chống lại mình trong suốt 3 thập niên nắm quyền, Tổng thống Mubarak đã phải từ chức. Một trong những than phiền, lo ngại của người biểu tình là nạn tham nhũng tràn lan trong Chính phủ và hầu như ở tất cả các cấp trong xã hội. Vấn đề này là sản phẩm của hệ thống tham nhũng, trì trệ từ thời ông Mubarak đã trở nên “thâm căn cố đế” ở Ai Cập.
Sau 30 năm trên đỉnh vinh quang, ông Mubarak cùng 2 con trai đã bị tạm giam 15 ngày, từ ngày 13-4, trong lúc bị điều tra về những cáo buộc tham nhũng và vai trò trong các cuộc biểu tình đẫm máu. Hiện nhà lãnh đạo từng là người hùng của Ai Cập đang điều trị bệnh tim tại bệnh viện ở khu nghỉ mát Sharm el-Sheikh thuộc Biển Đỏ cho đến khi ông có thể bị luân chuyển sang một bệnh viện quân y.
AP cho biết, hầu hết các trợ lý của cựu Tổng thống Mubarak bị giam ở nhà tù Tora, phía nam thủ đô Cairo, cũng vì liên quan đến tham nhũng và bạo lực chống lại những người biểu tình. Ngày 20-4, các công tố viên đã trao đổi với cựu Phó Tổng thống Omar Suleiman về sự giàu có của ông Mubarak cùng các hoạt động trong các cuộc biểu tình. Một ngày trước đó, các Bộ trưởng Y tế và Lao động đã bị thẩm vấn.
PHÚC NGUYÊN