.

Bờ Biển Ngà vẫn bế tắc

.
Nhà lãnh đạo Laurent Gbagbo bác bỏ các nguồn tin ông đầu hàng đối thủ Alassane Ouattara. Tổng thống mãn nhiệm Gbagbo nói rằng, lực lượng quân đội của ông chỉ đàm phán về việc ngừng bắn và khẳng định chính ông đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái.

Mô tả ảnh.
Đường phố Abidjan hoang vắng vì người dân không dám rời khỏi nhà. (Ảnh: Getty Images)
 
Phe trung thành với Tổng thống mới đắc cử Ouattara, người được quốc tế ủng hộ, tuần này đã tràn vào Abidjan - thành phố lớn nhất của Bờ Biển Ngà. Các cường quốc phương Tây đang gia tăng áp lực yêu cầu ông Gbagbo từ chức. Theo Tổng thống Mỹ Barack Obama, bạo lực có thể đã được ngăn chặn nếu ông Gbagbo tôn trọng kết quả bầu cử.

Ngày 6-4, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe cho rằng, việc ra đi của ông Gbagbo là điều duy nhất để đàm phán. Người đứng đầu ngành Ngoại giao Pháp nhấn mạnh Paris và Liên Hợp Quốc (LHQ) đã thống nhất đặt các điều kiện để ông Gbagbo chịu từ chức. Theo đó, vị Tổng thống mãn nhiệm này phải cam kết chuyển giao quyền lực và công nhận đối thủ Ouattara là Tổng thống mới của quốc gia Tây Phi này. Chỉ huy lực lượng Pháp - đô đốc Édouard Guillaud - bày tỏ mong muốn ông Gbagbo sẽ đầu hàng trong vài giờ. Theo đô đốc Guillaud, ông Gbagbo không còn lựa chọn nào khác.

Báo New York Times dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, động thái ông Gbagbo từ nhiệm sẽ kết thúc khủng hoảng chính trị kéo dài 4 tháng qua. Nhà lãnh đạo này vốn bác bỏ việc ông thất bại trong cuộc bầu cử khi chỉ giành được 46% phiếu bầu, trong khi đối thủ Ouattara giành 54%. Ông Gbagbo khẳng định với kênh truyền hình LCI của Pháp rằng, quân đội của ông thảo luận về điều kiện ngừng bắn nhưng chưa đi đến quyết định nào. “Tôi đã chiến thắng trong cuộc bầu cử và tôi không đàm phán về việc ra đi của mình”, ông Gbagbo tuyên bố. Vị Tổng thống mãn nhiệm này còn cáo buộc Pháp với sự can thiệp trực tiếp đã khơi mào cho chiến tranh ở Bờ Biển Ngà.

Tuy nhiên, các quan chức của ông Ouattara khẳng định dù từ chức nhưng vị Tổng thống mãn nhiệm vẫn sẽ bị truy tố trong nước hoặc ở nước ngoài vì việc mở rộng chiến dịch đàn áp những người chống đối trong 4 tháng sau bầu cử. Song, hiện vẫn chưa rõ những người ủng hộ nhà lãnh đạo Gbagbo có chấp nhận Tổng thống mới là ông Ouattara hay không.

Abidjan đã trải qua đêm 5-4 trong không khí khá yên tĩnh, chỉ có vài tiếng súng của những người quá khích. Giao tranh dữ dội trong những ngày qua ở Abidjan đã khiến người dân không dám ra khỏi nhà, nguồn cung cấp thực phẩm và nước uống đều bị hạn chế.

Nhận nhiệm vụ từ LHQ, 1.650 binh sĩ Pháp giám sát việc ngừng bắn và bảo vệ công dân nước ngoài ở Bờ Biển Ngà. Trung Quốc và Nga đã chỉ trích sự can thiệp của Pháp trong giải pháp tháo gỡ khủng hoảng ở cả Libya lẫn Bờ Biển Ngà, cũng như phản đối dùng vũ lực ở cả hai quốc gia châu Phi này. Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng, cần có vai trò của LHQ trong việc chấm dứt xung đột ở Bờ Biển Ngà. Các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, bao gồm Nghị quyết 1973 dành cho Libya (do phương Tây bảo trợ, thông qua ngày 17-3) và Nghị quyết 1975 dành cho Bờ Biển Ngà (do Pháp và Nigeria bảo trợ, thông qua ngày 30-3) được xem là tiền đề cho những phản ứng quân sự dẫn đến khủng hoảng nhân đạo - mối quan ngại lớn nhất trong lúc này ở “lục địa đen”.

PHÚC NGUYÊN
;
.
.
.
.
.