Cơn bão khủng hoảng nợ lan rộng khi Bồ Đào Nha trở thành quốc gia thứ ba trong khu vực các nước đồng euro nhờ sự trợ giúp tài chính của Liên minh châu Âu (EU).
Biểu tình chống chính sách “thắt lưng buộc bụng” ở thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha. Ảnh: AFP |
Thủ tướng tạm quyền Bồ Đào Nha Jose Socrates khẳng định điều này khi nói rằng, rủi ro đối với nền kinh tế hiện quá lớn khi một mình đối mặt với các khoản vay trong những tuần gần đây. Theo ông, quyết định nhờ trợ giúp là cần thiết nhằm bảo đảm duy trì hệ thống tài chính và kinh tế của đất nước.
Tuy nhiên, Thủ tướng Socrates không đề cập đến việc Bồ Đào Nha đề nghị trợ giúp bao nhiêu. Các cuộc đàm phán sẽ được tiến hành và nguồn tin từ BBC cho biết, việc giải cứu cho Bồ Đào Nha có thể lên đến 80 tỷ euro (115 tỷ USD). Đề xuất của ông Socrates được đưa ra sau những bất ổn chính trị khi Chính phủ từ chức vào ngày 23-3 do Quốc hội bác bỏ kế hoạch “thắt lưng buộc bụng”.
Theo hãng AFP, các Bộ trưởng Tài chính châu Âu ngày 7-4 đã nhóm họp ở thủ đô Budapest (Hungary) để bàn về lời cầu cứu của Bồ Đào Nha. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso cho hay, yêu cầu trợ giúp của Chính phủ Lisbon sẽ được giải quyết nhanh nhất có thể.
Bồ Đào Nha đã trải qua những tháng chật vật về tài chính trong lúc các nhà đầu tư lo ngại Lisbon không đủ khả năng để giải quyết các khoản nợ. Hai tuần trước, Thủ tướng Socrates đã tuyên bố từ chức sau khi các đảng đối lập từ chối giải pháp “thắt lưng buộc bụng” mà ông đề xuất. Song, ông Socrates vẫn nắm quyền cho đến bầu cử trước thời hạn vào tháng 6 tới. Bộ trưởng Tài chính Fernando Teixeira dos Santos cho rằng, đất nước này bị đẩy vào tình huống khó khăn là do thị trường tài chính. Trước khi Bồ Đào Nha cầu cứu EU, các công ty đánh giá tín dụng như Moody’s, Standard & Poor’s (S&P) đã liên tiếp hạ mức xếp hạng tín dụng của nước này vì cho rằng, Chính phủ Lisbon khó có thể đạt được những mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách giai đoạn 2011-2014 trong bối cảnh những bất ổn gia tăng về chính trị, ngân sách và kinh tế. Một số nhà phân tích thậm chí nhận định: Nếu không được cứu trợ, Bồ Đào Nha chắc chắn sẽ bị vỡ nợ.
Trước đó, Hy Lạp và Ireland đã nhờ sự trợ giúp của EU để giải quyết khủng hoảng tài chính. Tháng 5-2010, EU đã đồng ý cấp 80 tỷ euro cho Hy Lạp trong 3 năm và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cấp thêm 30 tỷ euro. Đến tháng 11 năm ngoái, Ireland nhận được gói cứu trợ trị giá 85 tỷ euro. Các quan chức cho rằng, đàm phán của Bồ Đào Nha về các khoản vay của EU và IMF có thể khó khăn hơn nhiều so với Hy Lạp và Ireland.
Trong những tháng trước, các nước châu Âu khác đã thúc giục Bồ Đào Nha chấp nhận tìm sự trợ giúp để giải quyết khủng hoảng nợ lan rộng. Câu hỏi được đặt ra là sau Bồ Đào Nha sẽ là quốc gia nào? Mọi ánh mắt lúc này dường như đổ dồn về Tây Ban Nha - nền kinh tế lớn thứ tư trong khu vực đồng euro - cũng đang đối mặt với thâm hụt và tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong khối EU. Song, theo các nhà phân tích, Chính phủ Madrid gần đây có đưa ra các biện pháp để ngăn chặn nước này đi theo bước chân của Bồ Đào Nha.
PHÚC NGUYÊN