.

Chính phủ Mỹ có nguy cơ ngừng hoạt động

.
Hoạt động của chính phủ Mỹ có nguy cơ bị đình lại vì hết kinh phí nếu đến ngày 8-4 hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội không thỏa thuận được với nhau về ngân sách cho 6 tháng còn lại của tài khóa 2011.

Mô tả ảnh.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (Ảnh: Getty)
Thông báo từ văn phòng của Chủ tịch Hạ viện John Boehner, ngày 5-4 cho biết, mặc dù cuộc thảo luận giữa hai bên đang diễn ra nhưng vẫn chưa đi đến một thỏa thuận nào.

Lập trường của các nghị sỹ Cộng hòa là không chịu ở thế bị buộc phải lựa chọn giữa "hai phương án đều không có lợi cho nước Mỹ."

Thông báo cho biết, đảng Cộng hòa đang kêu gọi ủng hộ chủ trương kéo dài nghị quyết cấp kinh phí tạm thời thêm một tuần. Tuy nhiên, phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng, Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh, ông không hào hứng với một nghị quyết về kinh phí tạm thời mà muốn có một thỏa thuận dài hạn hơn để Quốc hội bỏ phiếu thông qua.

Trong bối cảnh hiện nay, Tổng thống Obama đã phải trấn an dư luận rằng, các nghị sỹ sắp đạt được một thỏa thuận về ngân sách để tránh nguy cơ chính phủ ngừng hoạt động. Ông cùng đảng Dân chủ đang đề nghị cắt giảm ngân sách 73 tỷ USD, trong đó có các chương trình rất được quan tâm nhưng ngoại trừ các chương trình cần thiết cho việc tăng trưởng kinh tế, như giáo dục, cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và phát triển.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong cuộc gặp trước đó với Chủ tịch Hạ viện Boehner, hai bên cũng chưa đạt được thỏa thuận nào. Ông Obama cho biết, lãnh đạo hai bên tiếp tục thảo luận trong mấy ngày tới.

Nghị quyết cấp kinh phí tạm thời cho Chính phủ Mỹ hoạt động sẽ hết hạn vào ngày 8-4 tới. Nếu đến thời hạn đó, hai bên không thể đi đến một thỏa thuận về ngân sách thì chính phủ bị đóng cửa, chỉ còn các dịch vụ thiết yếu tiếp tục hoạt động.

Đây sẽ là đợt ngừng hoạt động lần thứ 16 của Chính phủ Mỹ kể từ thời cựu Tổng thống Jimmy Carter. Từ tài khóa 1977 đến 1980, Chính phủ Mỹ đã phải đóng cửa sáu lần, mỗi lần kéo dài từ 8 đến 17 ngày. Từ tài khóa 1981 đến 1995, Mỹ có chín lần đóng cửa chính phủ, mỗi lần kéo dài không quá ba ngày.

Lần chính phủ đóng cửa dài nhất là dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton với 21 ngày ngừng hoạt động. Hệ lụy của sự kiện này là khoảng 800.000 viên chức của các cơ quan liên bang phải nghỉ việc; việc xử lý thị thực, hộ chiếu và đơn gửi lên các cơ quan chính phủ bị chậm lại; hơn 600 điểm thu gom rác trên toàn nước Mỹ không hoạt động; tất cả các viện bảo tàng quốc gia và 368 công viên quốc gia bị đóng cửa khiến ngành du lịch và ngành hàng không mất khoảng 9 triệu khách du lịch.

Thống kê của Chính phủ Mỹ cho thấy, tổng thiệt hại của lần đóng cửa năm 1995-1996 lên tới 1,4 tỷ USD.
 
TTXVN
;
.
.
.
.
.