.

G20 bàn cải cách tiền tệ

.

Đây là thời điểm để Trung Quốc thúc đẩy quốc tế hóa tiền tệ của nền kinh tế thứ hai thế giới, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nhận định trước các quan chức tài chính tại Hội nghị G20 ngày 31-3.

Mô tả ảnh.
Mỹ và phương Tây kêu gọi Trung Quốc nâng tỷ giá đồng Nhân dân tệ.  (Ảnh: AFP)

Các Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Trung ương và chuyên gia của G20 tìm giải pháp thúc đẩy trật tự tiền tệ quốc tế để bảo đảm nền tảng vững chắc cho kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, khác biệt xung quanh các chính sách tỷ giá tiền tệ và những vấn đề quan trọng khác bao phủ hội nghị nhóm các nền kinh tế lớn tại thành phố Nam Kinh của Trung Quốc. Hội nghị diễn ra trong lúc sự phục hồi toàn cầu phải đối mặt với những trở ngại lớn như động đất, sóng thần và khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản cùng với nợ công lan rộng châu Âu.

Mặc dù Trung Quốc khẳng định hệ thống tiền tệ của nước này không phải là nội dung chính được đặt lên bàn nghị sự, nhưng Tổng thống Pháp Sarkozy đã mở màn cuộc họp bằng việc thúc giục Bắc Kinh hành động với tỷ giá đồng Nhân dân tệ (NDT), trong khi vẫn giữ ổn định đồng USD và đồng euro. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner nói rằng, đồng NDT phải được tự do thương mại hơn. Ông Sarkozy yêu cầu hướng tới hệ thống tỷ giá linh hoạt hơn, để các nền kinh tế có thể đương đầu với những “cú sốc”. “Nhưng hệ thống này không thể tiến triển mà không theo những quy định, sự hợp tác và giám sát”, ông Sarkozy nói. 
Theo quan chức tài chính Mỹ Geithner, hầu hết các nền kinh tế lớn đang nổi lên hiện có tỷ giá linh hoạt. Không đề cập trực tiếp đến đồng NDT của Trung Quốc - vấn đề vốn gây tranh cãi và bất đồng trong G20, ông Geithner cho rằng, vẫn có những nước kiểm soát chặt chẽ hệ thống tiền tệ.

Hãng tin AP dẫn nhận định của Mỹ và các nước khác cho rằng, Trung Quốc đã kiềm chế giá trị đồng NDT, mang lại thuận lợi cho các nhà xuất khẩu của đất nước châu Á này nhưng vô hình trung tạo sự bất bình đẳng trong cạnh tranh trên thị trường quốc tế và là nguyên nhân chính dẫn đến mất cân bằng kinh tế toàn cầu, chẳng hạn như vấn đề thâm hụt thương mại lớn ở châu Âu. Phương Tây muốn thấy đồng NDT trở thành một phần của giỏ định giá SDR (quyền rút vốn đặc biệt) thuộc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nhằm thúc giục Bắc Kinh cởi mở hơn trong việc quản lý tiền tệ. Các thành phần của SDR hiện nay bao gồm USD, euro, bảng Anh và đồng yen.

Pháp là Chủ tịch G20 trong năm 2011 - nhóm tập hợp các nền kinh tế phát triển và mới nổi, chiếm khoảng 85% sản lượng toàn cầu. Hãng AP cũng cho biết, Trung Quốc trước đó được đề nghị chủ trì các diễn đàn của G20 tại Nam Kinh đã không tỏ ra nhiệt tình với những sáng kiến hoặc kế hoạch của Tổng thống Pháp về vấn đề cải cách tiền tệ. Trong khi Mỹ khẳng định giải pháp cho vấn đề này là đơn giản thì Trung Quốc lại cảnh báo việc thay đổi không thể diễn ra chóng vánh. “Cải cách sẽ là quá trình phức tạp và lâu dài”, Phó Thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn nhận định. Song, ông cam kết Bắc Kinh sẽ phối hợp với các nước khác để đảm bảo rằng, trật tự kinh tế được thúc đẩy theo hướng mới công bằng và cùng có lợi.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.