Các Ngoại trưởng của 28 thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 14-4 bắt đầu nhóm họp ở thủ đô Berlin của Đức để bàn giải pháp cho tiến trình Libya sau những tranh cãi xuyên đại dương về cuộc chiến do liên minh quân sự này dẫn đầu.
Các cuộc không kích của NATO khiến nhiều người dân rời bỏ nhà cửa và phải sống trong khu tị nạn ở Benghazi. Ảnh: THX |
Hãng AP cho biết, hội nghị Berlin muốn tìm kiếm những cái bắt tay của châu Âu, nhất là Đức - quốc gia vốn không liên quan quân sự trong “sứ mệnh Libya”. Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen xác nhận: Nếu dựa vào riêng hoạt động quân sự sẽ không giải quyết được khủng hoảng ở Libya. Thực tế, suốt 3 tuần không kích, phương Tây không lật đổ được nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi và Pháp cho rằng, NATO đã không nỗ lực đúng vai trò để đạt mục tiêu. Theo các nhà chức trách Anh và Pháp, cần có sức mạnh quân sự của Mỹ nhằm bảo đảm chiến dịch thành công.
Song, Chính phủ của Tổng thống Barack Obama khẳng định khi chuyển giao quyền chỉ huy cho NATO, Washington vẫn theo sát kế hoạch nhưng chỉ đứng phía sau. Hãng AP dẫn lời các quan chức Mỹ cho hay, Ngoại trưởng Hillary Clinton muốn tận dụng hội nghị 2 ngày ở Berlin để hàn gắn những bất đồng và dị biệt giữa các đồng minh, thúc đẩy các nước này một lần nữa xác định mục tiêu bảo vệ dân thường trước cuộc giao tranh giữa lực lượng trung thành với ông Gaddafi và phe nổi dậy. Bà Clinton cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng trong việc sử dụng thiết bị quân sự của NATO và tạo ra áp lực chính trị để yêu cầu ông Gaddafi rời bỏ quyền lực.
Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe tuyên bố sẽ phải có một giải pháp chính trị cho Libya, nhưng không có chỗ cho ông Gaddafi trong tương lai của đất nước này. Các Ngoại trưởng Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Italia - nhóm từng bàn thảo về vấn đề Kosovo trước đây - nay cũng nhóm họp bên lề hội nghị Berlin với trọng tâm được đặt lên bàn nghị sự là tình hình Libya.
Đến nay, NATO vẫn không đạt được sự thống nhất trong chiến dịch Libya. Chỉ có 6 trong số 28 thành viên NATO thực hiện các cuộc không kích trên bầu trời đất nước Bắc Phi này với mục đích được phương Tây gọi là bảo vệ dân thường. Trong đó, các máy bay chiến đấu của Anh và Pháp đảm nhận hơn 1/2 số chuyến bay.
Cũng trong ngày 14-4, phát biểu tại cuộc họp báo ở Tripoli, Thứ trưởng Ngoại giao Libya Khaled Kaim cáo buộc Qatar cung cấp tên lửa chống tăng cho phe nổi dậy ở thành phố Benghazi - lực lượng đang tìm cách lật đổ Tổng thống Gaddafi. Theo ông Kaim, 20 chuyên gia của Qatar cũng có mặt ở thành phố này để huấn luyện cho hơn 700 chiến binh.
Cuộc chiến Libya vẫn vấp phải những phản ứng từ nhiều nước trên thế giới. Tại hội nghị thượng đỉnh nhóm 5 cường quốc mới nổi (BRICS) ngày 14-4 ở tỉnh Hải Nam của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo đã phản đối dùng vũ lực đối với quốc gia Bắc Phi cũng như thế giới Arab. Tuyên bố của 5 nước bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi cho rằng, tất cả các bên liên quan nên giải quyết bất đồng bằng những biện pháp hòa bình và đối thoại. Liên Hợp Quốc và các tổ chức khu vực cần đóng vai trò phù hợp dựa trên nguyên tắc tránh bạo lực. BRICS cũng nhấn mạnh việc ủng hộ lập trường tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia.
PHÚC NGUYÊN