.

Nhật Bản đã chặn được rò rỉ phóng xạ ra biển

.
(ĐNĐT) - Sáng 6-4, dòng nước nhiễm phóng xạ mức cao tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi đã ngưng chảy ra biển, sau khi một chất xúc tác hóa học được bơm vào, Điện lực Tokyo cho biết.

Mô tả ảnh.
Hình ảnh cho thấy trước và sau khi các kỹ sư chặn được phóng xạ rò rỉ ra biển (Ảnh: Reuters)
Trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn rò rỉ, ngày 5-4, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đã bơm 1.500 lít “kính lỏng”, hay còn gọi là sodium silicat và một chất xúc tác vào chỗ phóng xạ đã rò rỉ mạnh.

Phát ngôn viên của TEPCO cho biết:, “Ngày hôm qua, nước rò rỉ đã chảy chậm lại sau khi chúng tôi bơm hợp chất kính lỏng và chất xúc tác làm đông cứng, giờ đây nước đã hết rỉ ra.”

Vụ rò rỉ đã làm ô nhiễm nghiêm trọng môi trường vùng biển chung quanh Nhà máy điện Fukushima Daiichi. Mẫu nước lấy gần với lò phản ứng số 2 hôm 2-4 cho thấy, hàm lượng iod-131 có mật độ lên đến 7,5 triệu lần mức cho phép.

Nước nhiễm xạ nặng đã đầy lên tại phần móng của tòa nhà chứa turbin lò phản ứng số 2 và các đường cống nối vào. Nước nghi là chảy từ lõi lò phản ứng số 2, nơi các thanh nhiên liệu nóng chảy một phần, đã dừng lại ở vết nứt nơi hố bảo dưỡng.

Hiện, TEPCO vẫn đang đối mặt với vấn đề lớn là làm sao chứa đủ 60.000 tấn nước biển đã bị ô nhiễm được dùng để làm mát các thanh nhiên liệu và họ buộc phải bơm 11.500 tấn nước nhiễm xạ nhẹ ra biển.

Nhà phân tích khu vực châu Á của hãng HIS Global Insight, Thomas Grieder cho rằng, tình hình vẫn chưa được kiểm soát. “Quyết định của TEPCO đổ nước bị ô nhiễm ra biển cho thấy tính cấp thiết của việc làm sạch các tòa nhà chứa tua bin và các đường cống thoát có nước nhiễm xạ để không làm hỏng thiết bị cần thiết để khắc phục hệ thống làm mát”, ông Thomas Grieder nói.

Các công nhân vẫn đang vật lộn nhằm tái khởi động các máy bơm nước tuần hoàn tại 4 lò phản ứng vốn đã bị hư hỏng sau trận động đất và sóng thần hôm 11-3.

Một khi đã được sửa chữa, các máy bơm sẽ bơm nước từ bên ngoài vào để ngăn chặn tình trạng quá nóng và dẫn đến nóng chảy các thanh nhiên liệu.

Quang Hiển (Theo Kyodo, Reuters)
;
.
.
.
.
.