Chiến dịch tái tranh cử lần này của Tổng thống Barack Obama với khẩu hiệu “Chiến thắng tương lai” được cho là khó khăn hơn so với năm 2008.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bắt đầu chiến dịch tái tranh cử nhiệm kỳ hai giữa lúc phải đối mặt với những khủng hoảng chính trị cả trong nước lẫn ở nước ngoài.
Với tuyên bố của Đảng Dân chủ được đưa ra ngày 4-4, ông Obama trở thành ứng viên chính thức đầu tiên trong cuộc cạnh tranh chiếc ghế Tổng thống vào năm 2012, đồng thời ngay lập tức khởi động việc quyên góp tiền cho nỗ lực tiếp tục tại nhiệm ở Nhà Trắng. Ông cũng lựa chọn người quản lý chiến dịch tranh cử của mình, cựu Phó Chánh văn phòng Nhà Trắng Jim Messina, với động thái đầu tiên là thiết lập các chương trình cho hoạt động tranh cử ở Chicago.
Trong khi đó, Đảng Cộng hòa vẫn chưa công bố ứng viên nào là đối thủ của đương kim Tổng thống. Theo đánh giá, đến nay chưa xuất hiện ứng viên nổi bật nào của Đảng Cộng hòa để cạnh tranh cùng ông Obama. Báo Washington Post cho biết, một số nghị sĩ của Đảng Cộng hòa đang chỉ trích vị Tổng thống 50 tuổi xung quanh việc khởi động tái tranh cử khi Chính phủ của ông chưa giải quyết xong những rối rắm: Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 8,8% và việc triển khai quân đội ở Libya.
Theo các nhà phân tích, ông Obama đang đương đầu với khủng hoảng kinh tế trong nước khi thâm hụt tăng từ 290 tỷ USD từ năm 1992 - thời Tổng thống Bush cha - lên tới 1.600 tỷ USD hiện nay. Thêm vào đó là gánh nặng kinh tế với khoản nợ công 14.300 tỷ USD. Tỷ lệ thất nghiệp 8,8% vẫn được cho là mức tốt so với bối cảnh khủng hoảng hiện tại. Áp lực tìm kiếm việc làm cho người Mỹ vốn đè nặng lên chương trình nghị sự của ông Obama trong những năm qua và bản thân nhà lãnh đạo này cũng nỗ lực để thực hiện cam kết giảm tỷ lệ thất nghiệp bằng những chuyến công du kết nối với Ấn Độ, Trung Quốc... Cuộc chiến của Mỹ ở Libya cũng tạo cho ông Obama không ít áp lực khi vấp phải chỉ trích của dư luận và thậm chí của chính các nghị sĩ trong Quốc hội.
CNN cho biết, Tổng thống Obama đã kêu gọi những “mạnh thường quân” hàng đầu, đồng thời các hội nghị tài trợ cũng sẽ được tổ chức trong tuần này để tìm kiếm sự ủng hộ của cử tri và các nhóm thuộc Đảng Dân chủ. Cũng trong ngày 4-4, Phó Tổng thống Joe Biden đến New Hampshire và gặp gỡ những người ủng hộ chủ chốt.
Theo khảo sát của các hãng Washington Post và ABC, 51% người Mỹ ủng hộ các chương trình của ông Obama và tỷ lệ không ủng hộ là 45%. Thăm dò dư luận cho thấy, Tổng thống Obama hiện có tỷ lệ ủng hộ cao hơn so với thời của những người tiền nhiệm như cựu Tổng thống Bill Clinton, cựu Tổng thống Ronald Reagan - những người đều giành thắng lợi khi tranh cử nhiệm kỳ hai. Tuy nhiên, các nhà phân tích của cả 2 đảng đều nhận định: Các con số trên minh chứng ông Obama vẫn là vị Tổng thống được người Mỹ yêu mến nhưng chưa bảo đảm để giành thắng lợi trong cuộc đua sắp tới.
THIÊN BÌNH