.

Thái Lan muốn đàm phán với Campuchia

.

Theo Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yuhoyono, cả Thái Lan lẫn Campuchia đều phải thể hiện thiện chí muốn thúc đẩy ngoại giao và tránh bạo lực.

 

Mô tả ảnh.
Xe tăng được triển khai tại huyện Ban Kruat thuộc tỉnh Buriram, đông bắc Thái Lan, giáp Campuchia. Ảnh: Bangkok Post

 

Ngoại trưởng Thái Lan Kasit Piromya ngày 25-4 kêu gọi đàm phán trực tiếp với Campuchia sau 3 ngày giao tranh khiến ít nhất 12 binh sĩ thiệt mạng và hàng ngàn người phải đi sơ tán. Đây là xung đột đẫm máu nhất ở biên giới 2 nước trong gần 20 năm qua.

Campuchia đã cáo buộc Thái Lan phá hủy 2 ngôi đền cổ Hindu có từ thế kỷ 12. Hãng AP dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Campuchia cho rằng, lực lượng Thái Lan đã nã 1.000 quả pháo và đạn súng cối trong ngày 24-4. Một số đạn súng cối rơi bên trong lãnh thổ Campuchia, khiến 17.000 người phải đi sơ tán, phá hủy một trường học cùng hàng chục ngôi nhà. Người phát ngôn Chính phủ Campuchia Phay Siphan nói rằng, 2 ngôi đền cổ Ta Moan và Ta Krabey đã bị trúng đạn pháo. Song, chưa có phản ứng từ phía các nhà chức trách Thái Lan cũng như chưa xác định về mức độ thiệt hại của các ngôi đền vốn có từ thời Khmer.   

Ngày 25-4, tiếng súng trở nên yên ắng ở dọc khu vực biên giới Thái Lan - Campuchia nhưng máy bay chiến đấu của Bangkok vẫn gầm rú trên bầu trời. Hãng Reuters cho biết, hy vọng về một giải pháp ngoại giao đã vơi đi khi các cuộc đàm phán nhằm tháo gỡ bế tắc không diễn ra như dự kiến. Chuyến công cán của Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đến Campuchia và Thái Lan trong ngày 25-4 đã bị hoãn lại. Tuy nhiên, trả lời báo giới tại thủ đô Jakarta, ông Natalegawa nói rằng, cuộc gặp 3 bên có thể vẫn diễn ra mặc dù chưa xác định thời gian cụ thể. Indonesia giữ chức Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2011. Theo kế hoạch trước đó, ông Natalegawa đến Campuchia để ký thỏa thuận làm trung gian giải quyết tranh chấp giữa 2 nước láng giềng này và sau đó đến Thái Lan.

Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Panitan Wattanayagorn nói rằng, chuyến thăm của Ngoại trưởng Natalegawa bị hoãn bởi cả phía Bangkok lẫn Phnom Penh chưa đồng ý với những điều khoản trong thỏa thuận về việc các quan sát viên Indonesia đến biên giới đang tranh chấp. Ông Natalegawa đã làm trung gian cho thỏa thuận hòa bình do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn vào ngày 22-2, theo đó sẽ cử các quan sát viên không vũ trang từ Indonesia đến khu vực dọc biên giới. Thái Lan bác bỏ đề xuất này và cho rằng, không cần thiết có quan sát viên, đồng thời tranh chấp có thể được giải quyết giữa 2 nước. Trong khi đó, Campuchia muốn có sự trung gian từ ASEAN để kết thúc xung đột. Phnom Penh nhấn mạnh Thái Lan nên tôn trọng thỏa thuận tháng 2 về việc triển khai quan sát viên Indonesia.

Giao tranh mới nhất giữa binh sĩ Campuchia và Thái Lan tại vùng biên giới diễn ra trong lúc Bangkok chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào đầu tháng 7 tới. Người phát ngôn Chính phủ Campuchia Phay Siphan cáo buộc Thái Lan đang khuấy động xung đột cho các vấn đề chính trị của Bangkok. Theo Reuters, xung đột có thể thúc đẩy sự ủng hộ dành cho Chính phủ của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva.

Tranh chấp giữa Thái Lan và Campuchia liên quan đến vùng đất dọc biên giới xảy ra hơn 50 năm qua. Căng thẳng dữ dội bùng phát từ năm 2008, khi việc ngôi đền có từ thế kỷ 11 Preah Vihear được Liên Hợp Quốc công nhận là Di sản văn hóa thế giới của Campuchia vấp phải phản ứng từ Thái Lan.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.