.

Thảm họa hạt nhân sánh ngang Chernobyl

.
Các dữ liệu mới nhất cho thấy, khủng hoảng hạt nhân rò rỉ từ nhà máy bị hư hại do động đất và sóng thần ở Nhật Bản vượt quá suy nghĩ ban đầu.

Mô tả ảnh.
Hàng loạt ô-tô bị phá hủy ở tỉnh Iwate trong thảm họa 11-3.    (Ảnh: AP)
 
Cơ quan An toàn Hạt nhân và công nghiệp Nhật Bản (NISA) đã nâng mức nguy hiểm của sự cố hạt nhân tại nhà máy Fukushima Daiichi từ mức 5 lên 7 - mức độ cao nhất tương đương với thảm họa Chernobyl xảy ra ở Ukraine vào năm 1986.

Mức 7 là mức cao nhất trong thang đánh giá sự cố hạt nhân quốc tế của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Hãng AP dẫn lời IAEA cho rằng, mức độ mới này nghĩa là có “sự cố lớn” bao gồm những ảnh hưởng lan rộng đến môi trường và sức khỏe. Mức 7 tương đương với lượng phóng xạ thải ra lên đến hàng chục nghìn terabecquerel (một đơn vị terabecquerel bằng 1.000 tỷ becquerel). NISA cũng khẳng định: Các cơ sở bị hư hại đã thải ra lượng lớn các chất phóng xạ đe dọa sức khỏe con người và môi trường trong khu vực rộng lớn.

Quyết định nâng mức cảnh báo được đưa ra sau khi Ủy ban An toàn hạt nhân Nhật Bản (NSCJ) cho hay, phóng xạ thải từ nhà máy Fukushima Daiichi lên tới 10.000 terabecquerel/giờ tại một địa điểm sau trận siêu động đất 9 độ Richter kèm theo sóng thần dữ dội hôm 11-3. Song, các nhà chức trách Nhật Bản vẫn hạ thấp những tác động đến sức khỏe. Chánh Văn phòng Nội các Yuki Edano khẳng định mức độ 7 là một thảm họa vô cùng lớn. “Chúng tôi xin lỗi mọi người, những người đang sống gần nhà máy điện hạt nhân và cộng đồng quốc tế vì đã để xảy ra thảm họa nghiêm trọng như thế”, ông Edano nói. Tuy nhiên, trả lời báo giới, người phát ngôn hàng đầu của Chính phủ Nhật Bản này cho rằng, đến nay thảm họa vẫn không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Còn theo NISA, lượng phóng xạ từ nhà máy này chỉ đạt khoảng 10% so với thảm họa Chernobyl. Trước đó, NISA đặt cảnh báo về thảm họa hạt nhân tại Nhật Bản ở mức 5/7, tương đương độ nguy hiểm của sự cố tại nhà máy Three Mile Island của Mỹ năm 1979. Mức 5 hạn chế lượng phóng xạ thải ra môi trường hơn nhiều lần so với mức 7. 

Nhà phân tích vật lý hạt nhân Hironobu Unesaki tại Viện Nghiên cứu lò phản ứng thuộc Đại học Kyoto nhận định: Mức độ mới được cảnh báo không phải là nguyên nhân để lo lắng bởi sự thay đổi này không liên quan trực tiếp đến những ảnh hưởng môi trường và sức khỏe. Ông Unesaki cho biết, khi liên kết tất cả dữ liệu thì thấy mọi việc trong tầm kiểm soát và không có nghĩa là lượng lớn phóng xạ sẽ tiếp tục thải ra bên ngoài.

Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn cho rằng, cấp độ 7 là sự thổi phồng tình hình tại Nhật Bản bởi tình hình vẫn không thể so sánh với thảm họa Chernobyl, đồng thời quyết định này có thể gây căng thẳng ngoại giao giữa Tokyo với các nước láng giềng. Theo một chuyên gia Mỹ, trong vụ Chernobyl, lò phản ứng đã nổ tung và không có vỏ bọc, trong khi tại Nhật Bản, các lõi phản ứng vẫn còn vỏ bọc thép và bể chứa nhiên liệu không bốc cháy. Lò phản ứng của nhà máy Chernobyl đã phát nổ và cháy vào ngày 26-4-1986, dẫn đến một lượng lớn chất phóng xạ phát tán, gây ô nhiễm vùng Bắc bán cầu. Lượng phóng xạ thực tế phát tán ra trong thảm họa Chernobyl đạt mức 5,2 triệu terabecquerel. Song, Phó Tổng Giám đốc Hidehiko Nishiyama của NISA cho rằng, nếu khủng hoảng kéo dài thì lượng phóng xạ phát tán có thể vượt qua con số của Chernobyl.

Thiệt hại kinh tế lớn

Phát biểu sau cuộc họp nội các ngày 12-4, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Kaoru Yosano cho biết, thiệt hại về kinh tế do trận động đất và sóng thần ngày 11-3 có thể nghiêm trọng hơn so với dự kiến khi đối mặt với tình trạng thiếu điện. “Ở một số khu vực, tác động có thể rất lớn”, ông Yosano nói.

Chính phủ Tokyo và đảng đối lập chính đã thống nhất một gói chi tiêu để tiến hành công tác tái thiết, nhưng việc có thêm một ngân sách lớn sẽ là điều khó khăn do Nhật Bản vẫn đang phải gồng mình với gánh nặng nợ công khổng lồ. Chính phủ từng ước tính thiệt hại có thể lên đến 300 tỷ USD - thiệt hại nặng nề nhất do thảm họa thiên nhiên từ trước đến nay trên thế giới. Bộ trưởng Yosano sẽ giải thích về những nỗ lực của Chính phủ đối với việc tái thiết hậu động đất và khủng hoảng hạt nhân tại Hội nghị G20 ở Washington vào ngày 15-4 tới. 

PHÚC NGUYÊN
;
.
.
.
.
.