.
Thế giới tuần qua

Sóng lớn ở Bờ Biển Ngà

.
Mỹ đã kêu gọi ông Laurent Gbagbo từ chức ngay lập tức và cho rằng, vị Tổng thống thất cử này đang đẩy Bờ Biển Ngà vào tình trạng vô luật pháp.

Mô tả ảnh.
Lực lượng trung thành với Tổng thống Alassane Ouattara đang tìm cách lật đổ ông Laurent Gbagbo. Ảnh: Reuters
 
Trong một tuyên bố ngày 3-4, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã nhấn mạnh việc cựu Tổng thống Gbagbo phải từ chức để kết thúc xung đột. Bà cho rằng, ông Gbagbo cần phải tôn trọng quy luật của cuộc chiến và ngừng tấn công dân thường.

Súng vẫn nổ vang trời ở Abidjan, thành phố lớn nhất của Bờ Biển Ngà trong những ngày liên tiếp diễn ra giao tranh giữa lực lượng trung thành với Tổng thống Alassane Ouattara, vốn được Liên Hợp Quốc thừa nhận, và lực lượng ủng hộ ông Gbagbo.

Báo cáo của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) cho biết, số người bị thảm sát chỉ trong một ngày ở thành phố Duekoue, phía tây Bờ Biển Ngà, lên đến 800 người và con số này được cho là gây sốc. Trong khi đó, Tổ chức từ thiện công giáo Caritas nói rằng, có đến 1.000 người thiệt mạng, còn con số do Liên Hợp Quốc đưa ra là 330 người. Vì thế, thông tin về số người chết vẫn chưa chính xác, nhưng được cho có thể là 1.300 người.

Thành phố Duekoue đang được lực lượng ủng hộ Tổng thống Ouattara kiểm soát. Tuy nhiên, Chính phủ của ông Ouattara ra tuyên bố bác bỏ trách nhiệm về hành động tàn bạo trên. Các nhà cầm quyền cho rằng, họ đã phát hiện ra những hố chôn tập thể ở những thị trấn khác và đó là kết quả việc thảm sát do phe đối lập - lực lượng của ông Gbagbo thực hiện. Tuy nhiên, theo báo New York Times, với số người thiệt mạng trên có thể dẫn đến cuộc điều tra về khả năng kiểm soát của Tổng thống Ouattara. Nếu điều tra cho thấy lực lượng của nhà lãnh đạo này liên quan đến những cái chết của thường dân thì có thể ảnh hưởng đến danh tiếng của ông ở nước ngoài.

Không những Mỹ mà cả Pháp, Liên minh châu Phi (AU) và Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đều kêu gọi ông Gbagbo rời bỏ cương vị. Xung đột giữa Tổng thống mãn nhiệm Gbagbo và Tổng thống đắc cử Ouattara vẫn kéo dài, dẫn đến khủng hoảng chính trị ở nền kinh tế lớn thứ hai của Tây Phi mà chưa tìm thấy lối thoát. Các cuộc tấn công dồn dập của Tổng thống Ouattara đã diễn ra để thúc đẩy việc truất phế ông Gbagbo. Thực tế, ông Ouattara giành thắng lợi trong cuộc bầu cử vào ngày 28-11 năm ngoái, nhưng người tiền nhiệm đã từ chối trao quyền cho đối thủ, người được cộng đồng quốc tế công nhận.

Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe đã gọi thời gian này là “những ngày cuối cùng của một nguyên thủ quốc gia” với ông Gbagbo. Cuộc tranh quyền giữa vị Tổng thống mãn nhiệm và người mới đắc cử đang làm hàng chục ngàn người tháo chạy khỏi đất nước Bờ Biển Ngà. “Ngày cuối cùng” của ông Gbagbo hay “ngày mới” của ông Ouattara thì vẫn chưa rõ, nhưng người dân ở quốc gia Tây Phi này đang đối mặt với nỗi lo sợ đe dọa tính mạng và Liên Hợp Quốc cũng ngại về một tình trạng khủng hoảng nhân đạo. Thế cuộc ở Bờ Biển Ngà với thắng - bại giữa 2 đối thủ vô hình trung nạn nhân chính là những người thường dân.

VĨNH AN
;
.
.
.
.
.