Thêm một quốc gia thứ ba trong thế giới Arab đón nhận hiệu ứng domino từ cuộc cách mạng hoa nhài trong năm nay. Theo vết xe đổ của người đồng cấp Tunisia Zine al-Abidine Ben Ali và nhà lãnh đạo Ai Cập Hosni Mubarak, 30 ngày nữa, Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh sẽ từ nhiệm sau hơn 3 thập niên nắm quyền, thay vì đợi đến khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2013.
Tuyên bố từ chức của ông Saleh rất bất ngờ bởi ngay trước đó, phát biểu trước lực lượng quân đội, ông vẫn tỏ thái độ cứng rắn với cáo buộc phe đối lập đang đẩy Yemen vào nội chiến.
Theo sáng kiến của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), ông Saleh sẽ chuyển giao quyền lực cho Phó Tổng thống Abdu Rabu Manur Hadi để đổi lấy quyền được miễn trừ truy tố đối với bản thân mình và các thành viên trong gia đình. GCC gồm 6 nước, trong đó có Saudi Arabia - cường quốc của khu vực, đã tìm giải pháp để kết thúc khủng hoảng ở đất nước có 24,3 triệu người trên bán đảo Arab. Sau khi được chuyển giao quyền lực, Phó Tổng thống Hadi sẽ kêu gọi cuộc bầu cử Tổng thống mới.
Mohammed Kahtan, người phát ngôn của phe đối lập ở Yemen, mô tả sáng kiến trên là tích cực. Đồng thời, ông Kahtan khẳng định rằng, tất cả lãnh đạo của các đảng đối lập đã thống nhất với đề xuất do GCC đưa ra để chấm dứt biểu tình kéo dài suốt 2 tháng qua và làm 120 người thiệt mạng. Tuy nhiên, phe đối lập bác bỏ việc kêu gọi thành lập một Chính phủ thống nhất dân tộc trong vòng 7 ngày và muốn chứng kiến ông Saleh từ nhiệm trước.
Sinh ra ở thành phố Sanaa và không được thụ hưởng nền giáo dục đầy đủ, Saleh tham gia quân đội Bắc Yemen và bị thương trong cuộc nội chiến năm 1970. Trải qua nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội, Saleh được Quốc hội bầu chọn làm Tổng thống vào năm 1978. Suốt 32 năm qua, từ lúc là nhà lãnh đạo của Bắc Yemen cho đến khi đất nước thống nhất, Saleh là một trong những người giữ cương vị Tổng thống lâu nhất ở thế giới Arab. Các nhà phân tích đánh giá ông Saleh là chính trị gia khôn ngoan, biết tận dụng mọi phương thức và cơ hội để ở lại nắm quyền. Nếu không có cuộc cách mạng hoa nhài ở Yemen vốn bùng phát từ Tunisia và lan rộng khắp thế giới Arab, có lẽ ông Saleh cũng tính đến một thập niên thứ tư tại nhiệm.
Saleh đã lãnh đạo đất nước có quá nhiều thách thức trong khu vực: Quốc gia nghèo nhất của Arab với GDP bình quân đầu người vào năm 2009 là 1.060 USD, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên 15% và tỷ lệ mù chữ 39%. Thậm chí, trước khi các cuộc biểu tình diễn ra, Yemen chìm trong bất ổn, với việc cả Al-Qaeda lẫn lực lượng ly khai đều thách thức Chính phủ.
Cuộc chiến của ông Saleh chống lại Al-Qaeda đã đưa nhà lãnh đạo này trở thành đồng minh của Mỹ. Washington thúc giục tiến trình chuyển giao quyền lực trong hòa bình. Song, 30 ngày tới chưa hẳn bình yên với Yemen, bởi phe đối lập vẫn tuyên bố tiếp tục biểu tình cho đến khi thật sự lật đổ được nhà độc tài 65 tuổi Saleh.
VĨNH AN