Vẫn chưa có dấu hiệu thật sự cho thấy đàm phán 6 bên sẽ được nối lại sau 2 năm đình trệ. Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter cùng 3 cựu lãnh đạo châu Âu ngày 28-4 đã rời CHDCND Triều Tiên để đến Hàn Quốc với thông điệp: Bình Nhưỡng yêu cầu sự bảo đảm của Washington trong việc ngừng chương trình vũ khí hạt nhân gây tranh cãi.
Cựu Tổng thống Jimmy Carter (trái) gặp gỡ Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tối cao CHDCND Triều Tiên Kim Young Nam. Ảnh: THX |
Không có thông tin chính thức về cuộc gặp gỡ của ông Carter với nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il và Đại tướng Kim Jong-un. Song, hãng Yonhap dẫn lời một quan chức Hàn Quốc cho hay, nhóm “bô lão” đã không gặp được ông Kim Jong-il.
Trong chuyến thăm Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc lần này, đồng hành với ông Carter là cựu Tổng thống Phần Lan Martti Ahtisaari, cựu Thủ tướng Na Uy Gro Harlem Brundtland và cựu Tổng thống Ireland Mary Robinson. Theo hãng tin AP, trên một blog, ông Carter cho biết, CHDCND Triều Tiên khẳng định mong muốn cải thiện quan hệ với Mỹ, đồng thời sẵn sàng đàm phán không điều kiện cùng Washington và Seoul. Ông Carter cho biết, điều quan trọng là Bình Nhưỡng sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân nếu không có sự bảo đảm an ninh từ Mỹ. Phát biểu tại cuộc họp báo khi đến Seoul, ông Carter cũng nhấn mạnh: Nhà lãnh đạo Kim Jong-il sẵn sàng đàm phán không điều kiện với Hàn Quốc, hoặc với Mỹ, hoặc với 6 cường quốc vào bất kỳ lúc nào.
Cựu Tổng thống Carter vốn được CHDCND Triều Tiên tôn trọng vì vai trò của ông trong thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và Bình Nhưỡng vào năm 1994, giúp ngăn chặn được một cuộc chiến tranh. Vào thời điểm đó, CHDCND Triều Tiên đã trục xuất các thanh sát viên quốc tế, đe dọa phá hủy Seoul và nguy cơ chiến tranh bùng nổ. Ông Carter cùng đi với Tổng thống Mỹ đương nhiệm lúc đó là Bill Clinton đến Bình Nhưỡng và gặp gỡ nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành, tức cha của ông Kim Jong-il. Tuy nhiên, các quan chức ở Washington và Seoul lần này dường như không đặt nhiều kỳ vọng vào khả năng của nhà ngoại giao Carter trong việc tháo gỡ bế tắc đối với đàm phán 6 bên. Hàn Quốc còn cho rằng, chuyến công cán của ông Carter sẽ khó thay đổi được thái độ của Bình Nhưỡng.
Mang sứ mệnh hòa bình đến CHDCND Triều Tiên, nhóm “bô lão” bị đẩy vào tình huống khó khăn khi đàm phán đình trệ đã hơn 2 năm. Trong giai đoạn đó, CHDCND Triều Tiên thực hiện các vụ thử hạt nhân và tên lửa, đồng thời tiết lộ về một cơ sở hạt nhân mới được cho là một cách khác để chế tạo bom nguyên tử, gây quan ngại cho khu vực Đông Bắc Á. Cuối năm ngoái, quân đội Triều Tiên đã nã đạn pháo lên đảo thuộc Hàn Quốc. Seoul còn cáo buộc Bình Nhưỡng là thủ phạm làm đắm tàu chiến Cheonan vào tháng 3-2010 làm 46 thủy thủ thiệt mạng.
Hãng AP cho biết, CHDCND Triều Tiên cũng đang thúc đẩy tiến trình xây dựng lò phản ứng năng lượng hạt nhân nước nhẹ. Thông tin này dựa theo hình ảnh vệ tinh thương mại vào đầu tháng 3 vừa qua nhưng được Viện Khoa học và An ninh quốc tế ở Washington công bố vào ngày 28-4. Trong khi Bình Nhưỡng cam kết về các mục đích năng lượng dân sự, một lò phản ứng như thế cho thấy rằng, đất nước này làm giàu uranium để có thể sử dụng trong vũ khí nguyên tử.
Mỹ khẳng định sẽ không xúc tiến đàm phán hạt nhân nếu Hàn Quốc không hài lòng về trách nhiệm của người láng giềng miền Bắc trong 2 vụ việc gây chết người vào năm ngoái. Song, đến nay Bình Nhưỡng vẫn từ chối xin lỗi và bác bỏ việc liên quan đến vụ đắm tàu Cheonan.
PHÚC NGUYÊN