.

Bin Laden bị tiêu diệt: Bước ngoặt chống khủng bố

.

Sau gần một thập niên tức giận xen lẫn lo sợ, nước Mỹ có thể hân hoan trước cái chết của Osama bin Laden, trùm khủng bố và là thủ phạm đứng sau vụ tấn công 11-9-2001 làm khoảng 3.000 người thiệt mạng.

Mô tả ảnh.
Tổng thống Barack Obama (thứ hai, từ trái sang) cùng các quan chức theo dõi chiến dịch tìm diệt Bin Laden.  Ảnh: AP

 Bin Laden đã bị bắn chết khi đang ẩn náu tại tòa nhà 3 tầng ở thị trấn Abbottabad, gần thủ đô Islamabad của Pakistan trong chiến dịch gần 40 phút do quân đội Mỹ tiến hành.

Thành tựu lớn của Mỹ

Tổng thống Barack Obama mô tả cái chết của Bin Laden là thành tựu lớn nhất từ trước đến nay đối với Mỹ trong nỗ lực tiêu diệt Al-Qaeda. Người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố với việc loại bỏ Bin Laden, thế giới an toàn và sẽ tốt hơn. “Công lý được thực thi”, ông Obama nói.

 

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon gọi cái chết của Bin Laden là bước ngoặt trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Hội đồng Bảo an LHQ ca ngợi chiến thắng này là sự phát triển quan trọng trong chiến dịch chống khủng bố. Trong khi đó, Tổng thống Afghanistan bày tỏ hy vọng sự biến mất của Bin Laden sẽ dẫn đến hòa bình và ổn định tại quốc gia Nam Á này cũng như ở khu vực. Tuy nhiên, giới phân tích vẫn tỏ ra quan ngại và đặt dấu hỏi về sự ổn định ở Afghanistan thời hậu Bin Laden.

Ngày 6-5, Tổng thống Obama sẽ đến New York thăm hiện trường vụ tấn công 11-9 ở Trung tâm Thương mại thế giới và gặp gỡ các gia đình nạn nhân. Chính phủ Mỹ đang xem xét việc công bố bức ảnh về thi thể của Bin Laden như bằng chứng cho thấy y đã chết. Ngoài ra còn có video về việc thả thi thể của trùm khủng bố xuống biển sau khi khâm liệm theo đúng truyền thống đạo Hồi, nhưng chưa rõ đoạn băng này được công bố hay không. Song, các học giả Hồi giáo chỉ trích Mỹ vi phạm truyền thống của người đạo Hồi khi mai táng Bin Laden ngoài biển và cho rằng, điều này có thể dẫn đến các vụ tấn công trả thù.

Hãng AP dẫn lời các nhà chức trách Mỹ nói rằng, các hình ảnh còn cho thấy Bin Laden đã bị bắn phía trên mắt trái và vào ngực. Vợ của Bin Laden, ban đầu cho là cũng chết trong chiến dịch, nhưng thực chất chỉ bị thương. Một phụ nữ khác chưa xác định danh tính chết cùng Khalid, một trong những con trai của Bin Laden.

Lo ngại mới

 
Liên Hợp Quốc sẽ tiếp tục chống khủng bố và dẫn đầu chiến dịch chống khủng bố này
      
 
(Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon)

Trong thập niên qua, Bin Laden là mục tiêu chính được xác định trong chính sách an ninh quốc gia của Mỹ. Thậm chí, giới chức Washington đã treo thưởng 25 triệu USD cho ai cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ hoặc tiêu diệt Bin Laden. Và bây giờ, với cái chết của trùm khủng bố này, Tổng thống Barack Obama có cơ hội để định hình lại chính sách ngoại giao của cường quốc hàng đầu thế giới. Theo các nhà phân tích, đây cũng là chiến thắng to lớn của ông Obama, giúp cá nhân ông cũng như Đảng Dân chủ ghi điểm trước thềm bầu cử vào năm 2012. 

Ở cấp độ chiến lược, cái chết của Bin Laden có thể làm giảm thiểu nhuệ khí của khủng bố Hồi giáo, nhất là nếu không có nhân vật nào nổi bật thay y. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tổ chức Al-Qaeda sẽ biến mất hoặc nước Mỹ và đồng minh không còn bị đe dọa. Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Leon Panetta cho rằng, Bin Laden đã chết, nhưng Al-Qaeda thì không. Những nỗ lực đang tiếp diễn nhằm vào các chi nhánh của Al-Qaeda vẫn được tiếp tục thực hiện và nhà chức trách thực thi luật pháp trong nước sẽ phải theo dõi, ngăn chặn các mối đe dọa đang nổi lên bên trong nước Mỹ. 

Nhiều dự đoán rằng, phó tướng của Bin Laden, nhân vật số 2 Ayman al-Zawahri, sẽ thay thế trùm khủng bố này. Các quan chức Mỹ cũng cảnh báo, cái chết của Bin Laden có thể khuyến khích các cuộc tấn công từ những kẻ cực đoan bạo lực.

Theo AP, đối với Al-Qaeda, Bin Laden và phó tướng Zawahri trong những năm gần đây đã trở thành biểu tượng hơn là việc chỉ huy, kiểm soát các thủ lĩnh của những chi nhánh thuộc tổ chức khủng bố này. Giết chết Bin Laden là loại bỏ biểu tượng đó, nhưng trong mắt của một số phần tử cực đoan, y có thể trở thành một kẻ tử vì đạo.

Osama bin Laden sinh năm 1957 ở một trong những gia đình giàu có nhất Saudi Arabia. Song, Bin Laden rời nhà đến Afghanistan, Sudan, để tìm kiếm hoạt động mà y gọi là “cách mạng”. Y tìm thấy con đường của sự cuồng tín và cuối cùng trở thành kẻ bị truy nã hàng đầu thế giới.

Việc theo dõi người đưa tin được Bin Laden tin tưởng nhất trong hơn 4 năm qua đã góp phần quan trọng cho thành công của chiến dịch. Giới chức Mỹ xác định kẻ đưa tin là Abu Ahmad, người Kuwait.

Kế hoạch theo dõi Abu Ahmad được bắt đầu từ năm 2007 khi nhóm tình báo phát hiện con đường dẫn đến ngôi nhà ở thị trấn Abbottabad thuộc Pakistan, nơi Bin Laden ẩn náu. Phân tích thêm thông tin thu thập từ các tù nhân ở Guantanamo, bao gồm lời khai của Khalid Sheikh Mohammed - một trong những kẻ lên kế hoạch tấn công Trung tâm Thương mại thế giới và Lầu Năm Góc trong sự kiện 11-9, các nhà chức trách có thể đã xác định được nơi trú ẩn của Bin Laden từ năm 2008. Abu Ahmad cũng là kẻ thân tín của Khalid Sheikh Mohammed.

Các nhà chức trách cũng lấy lời khai của Abu Faraj al Libi, tù nhân người Libya và là thủ lĩnh cấp cao thứ ba của Al-Qaeda, bị bắt vào tháng 5-2005. Tuy nhiên, mãi đến tháng 3 vừa qua, Tổng thống Obama mới kết luận về tính xác thực và vững chắc của các nguồn tin tình báo, khởi đầu cho chiến dịch tìm diệt Bin Laden vào ngày 1-5. 

 

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.