.

Campuchia và Thái Lan đồng ý để quan sát viên đến khu vực tranh chấp

.

(ĐNĐT) - Bộ trưởng Ngoại giao của Campuchia và Thái Lan đã đồng ý một thỏa thuận thông qua một “giải pháp trọn gói”, cho phép huy động các quan sát viên Indonesia đến khu vực biên giới tranh chấp giữa hai nước.

Mô tả ảnh.
Từ trái sang: Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Namhong, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa và Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Kasit Piromya trong cuộc gặp ngày 9-5 tại Jakarta (Ảnh: Reuters)

Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan, Kasit Piromya và người đồng cấp Campuchia, Hor Namhong đã gặp gỡ ngày 9-5 để cố gắng làm giảm bớt những khác biệt sau khi cuộc đàm phán của Thủ tướng hai nước là Abhisit Vejjajiva và Hun Sen tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN thất bại hôm 7-5.

Sau cuộc gặp gỡ do mình làm trung gian, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia, Marty Natalegawa cho biết: “Chiều nay, chúng tôi đã đạt được thành tựu vượt quá sự mong đợi. Tôi không đánh giá thấp tầm vóc của vấn đề, nhưng quả thực họ đã vượt qua được các đòi hỏi khắt khe đối với phía bên kia”.

Ông Hor Namhong cho rằng, Campuchia và Thái Lan đã đồng ý “một giải pháp trọn gói” về việc đưa quan sát viên tới khu vực biên giới tranh chấp. Ông cho rằng, giải pháp đó nhằm kết hợp 6 điểm làm một. Đó là, đầu tiên, cả hai bên sẽ trao đổi thư chấp nhận về các thuật ngữ tham khảo đối với Nhóm quan sát viên Indonesia (IOT), cùng lúc đó tuyên bố ngày, tháng gặp gỡ Ủy ban biên giới Chung (GBC) và Ủy ban biên giới phối hợp (JBC) của hai nước.

Các điểm 3 và 4 là đưa một nhóm quan sát đến khu vực tranh chấp và triệu tập các cuộc họp của GBC và JBC trong 5 ngày.

Điểm 5 và điểm 6 là triển khai toàn bộ nhiệm vụ của IOT và thực hiện theo các kết quả của các cuộc họp GBC và JBC trong vòng 10 ngày.

Với vai trò là Chủ tịch ASEAN, Indonesia đã cố gắng tạo điều kiện các cuộc đàm phán giữa hai nước đối với các tuyên bố chung của các nước đối với khu vực rộng 4,6 km2 nằm tiếp giáp với đền cổ Preah Vihear.

Hai bên đã ký vào đề xuất của Indonesia, đưa quan sát viên đến giám sát việc ngừng bắn trên khu vực biên giới chung vào ngày 22-2 tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN tại Jakarta, tuy nhiên, việc đưa các quan sát viên đến đã bị chậm trễ bởi Bangkok yêu cầu quân đội Campuchia và dân thường phải rút khỏi khu đền trước. Trong khi đó, phía Campuchia khư khư cho rằng nhóm giám sát phải được huy động trước khi nhóm họp bất kỳ cuộc đàm phán nào đối với việc rút quân dưới sự chủ trì của GBC.

Theo cam kết, các bộ trưởng ngoại giao đồng ý rằng chấp thuận chính thức của Thái Lan đối với việc huy động lực lượng quan sát Indonesia sẽ được thực hiện cùng ngày tháng với tuyên bố từ cuộc họp sắp tới của ủy ban biên giới chung, ông Marty cho biết.

Quang Hiển (theo BangkokPost)
;
.
.
.
.
.