.

Cạnh tranh quyết liệt vào IMF

.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde ngày 25-5 tuyên bố muốn trở thành nhà lãnh đạo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong lúc các nền kinh tế mới nổi chỉ trích sự lỗi thời của châu Âu khi cố níu vị trí này.

Mô tả ảnh.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde là ứng viên hàng đầu. Ảnh: Reuters
 
Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (gọi tắt là nhóm BRICS) chỉ trích gay gắt các quan chức châu Âu. Từ sau vụ bê bối tình dục của Dominique Strauss-Kahn khiến ông này từ chức vào tuần trước, châu lục này vẫn khăng khăng cho rằng, người kế nhiệm nên là người châu Âu. Truyền thống người châu Âu nắm quyền ở IMF vốn bất di bất dịch kể từ sau Thế chiến thứ hai đến nay. BRICS nhấn mạnh: Cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây bùng nổ ở các nước phát triển cho thấy tính cấp thiết phải cải tổ các tổ chức tài chính quốc tế nhằm phản ánh vai trò ngày càng gia tăng của các nước đang phát triển trên thế giới.

Cố vấn kinh tế cấp cao của Ấn Độ, ứng viên tiềm năng cho chiếc ghế hàng đầu IMF, ông Montek Singh Ahluwalia, đã bị loại vì quá tuổi.
Một quan chức của IMF nói rằng, ông Ahluwalia là ứng viên tốt, nhưng vượt quá 65 tuổi theo quy định của cơ quan cho vay này. Ấn Độ không có ứng viên nào khác ngoài chuyên gia kinh tế 68 tuổi Ahluwalia.
Tuy nhiên, nhóm BRICS lại không đưa ra được ứng viên tiềm năng nào để cạnh tranh với Bộ trưởng Lagarde, người dường như hội tụ đủ sự ủng hộ của châu Âu, Mỹ và cả Trung Quốc. Pháp, Đức, Anh đều đánh giá bà Lagarde có kinh nghiệm trong việc giải quyết vấn đề khủng hoảng nợ châu Âu.

Trong một tuyên bố chung, BRICS nói rằng, việc lựa chọn người điều hành IMF nên dựa vào tiêu chí năng lực, phản ánh được thực tế đang đổi thay của kinh tế toàn cầu, chứ không căn cứ tiêu chí quốc tịch. Nhóm các nền kinh tế mới nổi kêu gọi hủy bỏ quy ước bất thành văn lỗi thời rằng, đứng đầu IMF nhất thiết phải là người châu Âu.

Theo Tân Hoa xã, ngày càng có nhiều người tin tưởng rằng, những thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong các tổ chức quốc tế. Nhiều báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) và IMF cũng cho thấy, cấu trúc kinh tế thế giới đang thay đổi, với việc những thị trường mới nổi và các nước đang phát triển trở thành động lực chính của tăng trưởng toàn cầu.

Hãng Reuters cho biết, vài giờ trước khi BRICS đưa ra tuyên bố chung tại Washington, Chính phủ Pháp khẳng định: Trung Quốc sẽ ủng hộ bà Lagarde kế nhiệm ông Kahn. Song, Bộ Ngoại giao Trung Quốc không có bình luận gì về việc Bắc Kinh tán thành cựu luật sư 55 tuổi của Pháp vào chiếc ghế hàng đầu IMF hay không. Bà Lagarde dự kiến phát biểu tại cuộc họp báo trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G8, bắt đầu vào ngày 26-5 tại Pháp. Nếu được lựa chọn, bà Lagarde sẽ tiếp tục giữ truyền thống người châu Âu lãnh đạo cơ quan cho vay của toàn cầu thành lập từ năm 1944. 

Mexico đã đề cử Giám đốc Ngân hàng Trung ương Agustin Carstens tranh cử chiếc ghế ở IMF. Ông Carstens từng là Phó Giám đốc IMF trước khi tham gia Chính phủ Mexico vào năm 2006. Bộ trưởng Tài chính Nam Phi Trevor Manuel cũng được xem là ứng viên sáng giá. Còn Nga nói rằng, Mátxcơva sẽ hậu thuẫn cho Giám đốc Ngân hàng Trung ương Kazakhstan Grigory Marchenko. Trong khi đó, Mỹ vẫn tuyên bố ủng hộ một ứng viên châu Âu.

Hội đồng IMF sẽ thống nhất danh sách 3 ứng viên và ngày 30-6 là thời hạn cuối để lựa chọn người kế nhiệm ông Kahn. Các nước sẽ đề cử ứng viên đến ngày 10-6.

BÌNH YÊN
;
.
.
.
.
.