.

Đông Bắc Á bàn khủng hoảng hạt nhân

.
Trung Quốc và Hàn Quốc đã đề nghị hỗ trợ Nhật Bản sau hàng loạt thảm họa. Các lãnh đạo Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đã thống nhất thúc đẩy hợp tác để đối phó với thảm họa và an toàn điện hạt nhân tại hội nghị 3 bên ở Tokyo ngày 22-5.

Mô tả ảnh.
Các lãnh đạo Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản tại Tokyo.  Ảnh: Yonhap
 
Theo hãng Tân Hoa xã, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak và Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã gửi lời chia buồn đến các nạn nhân trong trận động đất, sóng thần ngày 11-3. Tuyên bố chung cho biết, 3 quốc gia vùng Đông Bắc Á khẳng định sẽ tăng cường hợp tác toàn diện, không chỉ về an toàn hạt nhân, cách quản lý thảm họa, mà còn trong lĩnh vực kinh tế, an ninh, các vấn đề khu vực và quốc tế. Trung Quốc và Hàn Quốc khẳng định nỗ lực viện trợ để Nhật Bản tái thiết đất nước sau thảm họa động đất, sóng thần cùng khủng hoảng hạt nhân. Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói rằng, Bắc Kinh sẽ nới lỏng lệnh cấm đối với hàng thực phẩm nhập khẩu từ Nhật. Trong khi đó, Nhật Bản cam kết chia sẻ với Trung Quốc, Hàn Quốc và các quốc gia khác những bài học từ khủng hoảng ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Vấn đề CHDCND Triều Tiên cũng được đặt lên bàn nghị sự. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho rằng, đối thoại là cách duy nhất để giải quyết khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Song, Nhật Bản nhấn mạnh: Bình Nhưỡng trước hết phải thể hiện thiện chí dỡ bỏ những quan ngại xung quanh các hoạt động làm giàu uranium của nước này trước khi nối lại đàm phán 6 bên.

Hội nghị Trung- Nhật- Hàn được tổ chức thường niên kể từ tháng 12-2008 đến nay. Hãng Reuters nhận định: Việc 3 quốc gia láng giềng Đông Bắc Á nhóm họp là cơ hội để các nước này thúc đẩy quan hệ sau thảm họa động đất, sóng thần tại Nhật.

l Trong khi đó, các nguồn tin cho biết, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il ngày 22-5 đã đến thành phố Dương Châu, phía tây Thượng Hải (Trung Quốc). Theo Đài YTN của Hàn Quốc, ông Kim Jong-il có thể đến Thượng Hải, nơi trước đây ông đã dừng chân để học về cải cách kinh tế của đồng minh quan trọng nhất với Bình Nhưỡng.   

PHÚC NGUYÊN
;
.
.
.
.
.