Thế giới Arab bất ổn, khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản là những trọng tâm được đặt trên bàn nghị sự của nhóm các nước phát triển lớn nhất thế giới (G8).
Lãnh đạo các cường quốc hàng đầu thế giới nhóm họp tại Deauville, bờ biển Normandy của Pháp, vào ngày 26 và 27-5 trước các mối đe dọa gia tăng. Hội nghị của “các ông lớn” này được bắt đầu bằng việc thể hiện tình đoàn kết với Nhật Bản sau những thảm họa hồi tháng 3 vừa qua và tranh luận về giải pháp thúc đẩy an toàn hạt nhân toàn cầu. Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi G8 thực hiện các biện pháp hiệu quả để thúc đẩy an toàn hạt nhân toàn cầu bởi động đất ở Nhật Bản đã đặt ra vấn đề về tương lai của ngành công nghiệp điện hạt nhân.
Báo Mail & Guardian cho hay, đây cũng là dịp để các nhà lãnh đạo Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Nga và Mỹ tranh luận về bất ổn ở thế giới Arab. Trước đó, Nga cảnh báo rằng, “các ông lớn” không nên tận dụng Hội nghị G8 để gây áp lực và trừng phạt các nước Arab vốn là đối tác của Mátxcơva. Song, Tunisia và Ai Cập, những quốc gia vừa trải qua các cuộc nổi dậy lật đổ Tổng thống, đều muốn người đứng đầu Nhà Trắng cùng các nước khác mở “hầu bao”, ủng hộ tiền bạc khi cả hai nước đều rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế nghiêm trọng sau “cách mạng hoa nhài”. Bộ trưởng Việc làm Tunisia Said Aydi bày tỏ hy vọng các lãnh đạo G8 sẽ đạt được một kế hoạch ủng hộ lớn với khoảng 25 tỷ USD để viện trợ cho nước này. Tunisia vừa nỗ lực ổn định chính phủ, vừa vất vả đương đầu với vấn đề người tị nạn từ nước láng giềng Libya chạy sang. Các nhà lãnh đạo Tunisia và Ai Cập cũng dự kiến có mặt tại phiên họp đặc biệt của G8 vào ngày 27-5 để tranh thủ sự ủng hộ của nhóm cường quốc này.
Tuy nhiên, vấn đề Libya với những bất đồng trong G8 được cho là sẽ phủ bóng lên hội nghị và gây chia rẽ giữa các nước công nghiệp phát triển. Các nhà lãnh đạo G8 cũng sẽ chất vấn Tổng thống Mỹ Barack Obama về chiến dịch ở Libya. Sau 2 tháng liên quân do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dẫn đầu mở chiến dịch chống Libya, Nga vẫn gia tăng quan ngại về tình hình ở đất nước Bắc Phi này. Mátxcơva đã công khai chỉ trích sự can thiệp quân sự của NATO chống lại lực lượng của Tổng thống Muammar Gaddafi, đồng thời khẳng định sẵn sàng đóng vai trò là trung gian hòa giải.
Bên cạnh đó, hàng loạt vấn đề khác đang thách thức G8. Phát biểu tại thủ đô London của Anh trước khi đến Pháp tham dự Hội nghị G8, Tổng thống Barack Obama bác bỏ những ý kiến cho rằng, sự trỗi dậy của các nước như Trung Quốc, Ấn Độ đánh dấu kết thúc đối với nước Mỹ và ảnh hưởng của châu Âu trên thế giới. Vấn đề chọn lãnh đạo mới cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng làm đau đầu G8 khi diễn ra cuộc cạnh tranh giữa châu Âu và các nước mới nổi.
Bên lề hội nghị, Tổng thống Obama sẽ có các cuộc gặp song phương với người đồng cấp Nga Medvedev, Tổng thống nước chủ nhà Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan. Đây là hội nghị thượng đỉnh lần thứ 37 của G8 kể từ khi nhóm này được thành lập vào năm 1975, trên cơ sở của G6.
PHÚC NGUYÊN