.

Mỹ không tin tình báo Pakistan

.
Việc tiêu diệt Osama bin Laden ngay trên đất Pakistan đặt ra hàng loạt nghi vấn về vai trò của quốc gia Nam Á này trong cuộc chiến chống khủng bố. Mỹ cung cấp 18 tỷ USD viện trợ nước ngoài cho Pakistan, trong đó 2/3 chi phí dùng cho an ninh.

Mô tả ảnh.
Những người ủng hộ đảng tôn giáo Pakistan tuần hành tại Quetta phản đối chiến dịch tìm diệt Bin Laden của Mỹ.  Ảnh: AP
 
Pakistan phát hiện nơi ở của Bin Laden?

Năm 2003 hoặc 2004, các cơ quan tình báo Pakistan đã theo dấu vết của một nghi phạm là chiến binh đưa tin để lần ra ngôi nhà ở thị trấn Abbottabad, phía bắc Islamabad. Giới chức tình báo lúc đó xác định người đưa tin sẽ liên hệ với Abu Faraj al-Libbi, một trong những kẻ bị truy nã hàng đầu thế giới. Al-Libbi đã thay thế Khalid Sheik Muhammad, nghi phạm vạch kế hoạch vụ tấn công 11-9-2001, làm thủ lĩnh các hoạt động của Al-Qaeda.

Cơ quan Tình báo Pakistan quyền lực (ISI) đã mở chiến dịch tấn công vào ngôi nhà nghi vấn, nhưng không tìm thấy Al-Libbi. Trong hồi ký của mình, cựu Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf sau đó viết rằng, việc thẩm vấn kẻ đưa tin cho thấy Al-Libbi có đến 3 ngôi nhà ở Abbottabad. Một trong những ngôi nhà này tương tự với nơi ở của Bin Laden lúc y bị lực lượng Mỹ tiêu diệt trong chiến dịch ngày 1-5 vừa qua.

Sự thật có đúng như vậy không vẫn là một dấu hỏi. Bộ Ngoại giao Pakistan trong tuần này đã sử dụng hoạt động quân sự của Islamabad như bằng chứng về cam kết của Chính phủ quốc gia Nam Á này trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, theo một quan chức cấp cao thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, không có cơ sở chứng minh tòa nhà nơi Bin Laden ở đã trải qua chiến dịch của Pakistan trước đó. Bộ Ngoại giao Pakistan cho rằng, các nhà chức trách nước này đã giám sát thị trấn Abbottabad từ năm 2003. Reuters nhận định: Nếu tuyên bố của giới chức Pakistan là sự thật thì vì sao ISI không phát hiện ra Bin Laden? Phần trả lời cho nghi vấn này tác động trực tiếp đến mối quan hệ đang trở nên xấu đi giữa Mỹ với đối tác chiến lược Pakistan. Washington tin rằng, Pakistan - nhất là ISI - đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố, nhưng lại nói một đàng, làm một nẻo.

Mỹ thất vọng về đồng minh

Sau vụ 11-9, Mỹ dựa vào quân đội của Islamabad để chống lại Al-Qaeda và Taliban ở khu vực đồi núi dọc biên giới Pakistan với Afghanistan. Tổng thống Mỹ G. W. Bush lúc đó có mối quan hệ thân thiết với nhà lãnh đạo Musharraf. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ giờ đây thất vọng về Pakistan. Thậm chí, họ cho rằng ISI dường như mắt nhắm mắt mở hoặc hỗ trợ cho các chiến binh Taliban cũng như Al-Qaeda vào lãnh thổ Pakistan trong suốt cuộc chiến tại Afghanistan thời hậu 11-9-2001. ISI vốn hậu thuẫn cho Taliban khi lực lượng này nắm quyền ở Afghanistan vào giữa những năm 1990. Theo Washington, ISI cũng đã bảo vệ Abdul Qadeer Khan, người được mệnh danh là “cha đẻ” bom hạt nhân Pakistan và bị bắt vào năm 2004 vì bán bí mật hạt nhân cho Iran, Libya cùng CHDCND Triều Tiên.

Khi trung tâm tài chính Mumbai của Ấn Độ bị khủng bố vào năm 2008 khiến 166 người thiệt mạng, New Delhi cáo buộc ISI liên quan đến vụ việc này. Một nghi phạm bị bắt khai rằng, các quan chức ISI đã hỗ trợ kế hoạch và tài chính cho vụ tấn công. Song, Pakistan bác bỏ bất kỳ sự liên quan nào của ISI đối với vụ Mumbai. 

Nhiều năm trôi qua, mối nghi ngờ của Mỹ càng tăng thêm và sẵn sàng chỉ trích Pakistan. Tháng 7-2010, Ngoại trưởng Hillary Clinton khẳng định các quan chức Pakistan biết nơi ẩn náu của Bin Laden. Trong chuyến thăm Islamabad trước khi tiến hành chiến dịch Abbottabad, đô đốc Mike Mullen - Chủ tịch Hội đồng liên quân Mỹ - còn cáo buộc ISI giữ liên hệ với Taliban.

Người đứng đầu ISI, tướng Ahmed Shuja Pasha, đến thăm Washington vào ngày 11-4, tức vài tuần trước khi Bin Laden bị tiêu diệt. Vị quan chức 59 tuổi từng phụ trách hoạt động quân đội chống lại các chiến binh Hồi giáo ở những khu vực bộ tộc dọc biên giới Afghanistan đã trở thành Giám đốc ISI vào tháng 9-2008 và 2 tháng sau đó, vụ tấn công Mumbai xảy ra. ISI bị cáo buộc liên quan đến Lashkar-e-Taiba, nhóm chiến binh chống Ấn Độ và bị cho là thủ phạm trong vụ Mumbai. Hơn nữa, chiến binh người Mỹ gốc Pakistan David Headley bị bắt vào năm ngoái khai với các nhà điều tra Ấn Độ rằng, ISI liên quan đến vụ tấn công và đã trả cho ông ta 25.000 USD. 

Người Hồi giáo biểu tình

Đảng Hồi giáo có ảnh hưởng nhất ở Pakistan đã thúc giục các tín đồ tổ chức tuần hành vào hôm nay (6-5) để yêu cầu Chính phủ Islamabad rút lại sự ủng hộ đối với cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ.

Hãng AP cho biết, Jamaat-e-Islami (JI), một trong những đảng chính trị tôn giáo lớn nhất Pakistan, cho rằng Mỹ đã vi phạm chủ quyền của đồng minh Pakistan khi đưa lực lượng vào thị trấn Abbottabad để tiêu diệt Bin Laden. Sự ủng hộ của Pakistan được cho là quan trọng đối với những nỗ lực của Mỹ nhằm chống lại các chiến binh Hồi giáo, cũng như chống Taliban ở nước láng giềng Afghanistan. Phát biểu với hãng tin Reuters ngày 5-5, thủ lĩnh JI Syed Munawar Hasan cam kết sẽ tổ chức biểu tình trong hòa bình với quy mô lớn. “Yêu cầu đầu tiên của chúng tôi là Pakistan nên rút lui khỏi cuộc chiến chống khủng bố”, Hasan nói.

PHÚC NGUYÊN
;
.
.
.
.
.