Đây là đợt không kích lớn nhất kể từ khi phương Tây bắt đầu can thiệp quân sự vào Libya cách đây hơn 2 tháng. Sáng 24-5, các máy bay chiến đấu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã 20 lần ném bom xuống Thủ đô Tripoli, trong đó có dinh thự của Tổng thống Muammar Gaddafi. Các vụ không kích liên tiếp nhau và kéo dài gần một giờ. Khắp Tripoli rền vang với ít nhất 12 tiếng nổ lớn, làm chấn động cả thành phố cùng nhà cửa, khách sạn. Các cửa kính bị vỡ, bầu trời bao phủ những cột khói đen, kể cả khu vực gần đại bản doanh Bab al-Aziziya của ông Gaddafi.
Lực lượng nổi dậy tại Libya được Mỹ và EU ủng hộ. Ảnh: Reuters |
Các cuộc không kích mới của NATO diễn ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Gerard Longuet tuyên bố nước này và Anh sẽ triển khai trực thăng chiến đấu ở Libya để tăng cường hỏa lực không kích. Hãng AP dẫn lời Người phát ngôn của Chính phủ Libya Moussa Ibrahim mô tả rằng, các mục tiêu bị ném bom đã được quân tình nguyện Libya sử dụng. Ông Ibrahim cho biết, ít nhất 3 người thiệt mạng và 150 người khác bị thương. Hầu hết nạn nhân sống gần khu vực bị tấn công.
Đây là cuộc không kích lớn nhất của NATO kể từ khi phương Tây bắt đầu “thọc tay” vào Libya cách đây hơn 2 tháng, nhằm tiêu diệt tận gốc rễ Chính phủ Gaddafi. Theo giới quan sát, việc sử dụng trực thăng không kích đánh dấu bước leo thang mới trong sứ mệnh chống Libya của NATO - chiến dịch vốn bị cộng đồng quốc tế chỉ trích. Các trực thăng này được chở đến bằng tàu HSM Ocean, chiến hạm lớn nhất của thủy quân Hoàng gia Anh.
Cũng trong ngày 24-5, trả lời phỏng vấn tờ The Times, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron đều cam kết tiếp tục gia tăng sức ép đối với nhà lãnh đạo Gaddafi cho đến khi ông này tuân theo các giải pháp của Liên Hợp Quốc (LHQ). Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã thúc giục các thành viên NATO tăng cường vai trò trong chiến dịch ở Libya. Bà Clinton cho rằng, thời gian đang chống lại ông Gaddafi và nhà lãnh đạo nắm quyền 41 năm này không thể tái lập quyền kiểm soát trên khắp Libya. Theo người đứng đầu ngành Ngoại giao Mỹ, lực lượng nổi dậy Libya đã tổ chức một hội đồng lâm thời hợp pháp và khi ông Gaddafi từ nhiệm thì đất nước Bắc Phi này sẽ “tiến lên phía trước”.
Đầu tuần này, Mỹ lại thúc giục ông Gaddafi rời khỏi Libya. Washington còn cử Trợ lý Ngoại trưởng Jeffrey Feltman đến Benghazi để thương thảo với lực lượng nổi dậy vào ngày 24-5. Cao ủy phụ trách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton cũng đã mở một văn phòng tại thành phố do phiến quân tiếp quản và tuyên bố khối gồm 27 thành viên này ủng hộ các chiến binh.
Thực thi Nghị quyết 1973 của LHQ, các quốc gia NATO, do Anh, Pháp và Mỹ dẫn đầu đã áp đặt vùng cấm bay đối với Libya, đồng thời phá hủy căn cứ quân sự của Tổng thống Gaddafi khi nhà lãnh đạo này nỗ lực ngăn chặn cuộc nổi dậy trong nước. Tại Washington, các nghị sĩ Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đã đưa ra giải pháp ủng hộ việc hạn chế sự can thiệp của Mỹ vào Libya.
PHÚC NGUYÊN