Vụ scandal của người đứng đầu Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn mở ra cơ hội cho các nước mới nổi chọn người vào vị trí này hoặc ở Ngân hàng Thế giới (WB). Đây sẽ là cuộc “chạm trán” giữa châu Âu với các thị trường châu Á và Mỹ Latinh đang tăng trưởng nhanh.
Từ sau Thế chiến thứ hai đến nay, IMF luôn do người châu Âu điều hành, còn WB do người Mỹ nắm quyền. Theo Eswar Prasad, chuyên gia kinh tế quốc tế của Đại học Cornell ở New York, việc tìm kiếm lãnh đạo IMF có thể trở thành cuộc đua khi các nước lớn đều muốn giành chiếc ghế này. Prasad cho rằng, Mỹ muốn một quan chức thuộc thế giới đang phát triển lãnh đạo IMF, còn Thủ tướng Đức Angela Merkel lại không muốn để cơ hội bỗng dưng vụt khỏi tay của người châu Âu.
Trong số các ứng viên kế nhiệm ông Kahn có Kemal Dervis, cựu Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ hiện làm việc tại Viện Brookings; và Mohammad El-Erian, người Ai Cập đứng đầu quỹ trái phiếu Pimco khổng lồ và là cựu nhân viên của IMF. Ngoài ra còn có Bộ trưởng Tài chính Singapore Tharman Shanmugaratnam, cựu Bộ trưởng Tài chính Nam Phi Trevor Manuel… Song, Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde dường như là ứng viên sáng giá nhất. Nhà kinh tế hàng đầu Morris Goldstein tại IMF trong 25 năm qua và nay làm việc tại Viện Peterson đánh giá rằng, Pháp sẽ xem Lagarde là sự lựa chọn khôn ngoan bởi cơ quan cho vay cần người có liên quan mật thiết với đàm phán xung quanh các gói cứu trợ dành cho Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha. Nếu được chọn, Lagarde sẽ là người phụ nữ đầu tiên điều hành IMF.
Dù mới nắm quyền từ năm 2007 nhưng đánh giá suốt 64 năm lịch sử của IMF, Kahn là một trong những lãnh đạo khôn khéo nhất bởi ông có quan hệ chặt chẽ với các nhà hoạch định chính sách của châu Âu. Kahn đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đối thoại khủng hoảng nợ ở Hy Lạp và các nước châu Âu khác. Uri Dadush, chuyên gia cấp cao tại Viện Hòa bình Carnegie Endowment của Mỹ, đồng thời là cựu Giám đốc chính sách kinh tế tại WB, cho rằng không dễ thay thế được ông Kahn.
Song, vị chính khách mẫn cán của IMF giờ đây bị giam giữ ở nhà tù Rikers Island tại New York, đồng thời đối mặt với 7 cáo buộc và mức án 25 năm tù. Không những thế, nữ nhà văn Pháp Tristane Banon đang cân nhắc việc phát đơn kiện ông với cáo buộc tấn công tình dục cô trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2002. Trước khi bị bắt, lãnh đạo 62 tuổi của IMF dự kiến từ chức để tranh cử Tổng thống Pháp. Scandal bất ngờ xảy ra gây khó khăn cho IMF về nhiều mặt, bao gồm việc xem xét cứu trợ cho Hy Lạp. Gói cứu trợ năm ngoái cho quốc gia châu Âu này vẫn chưa đủ để giải quyết khủng hoảng nợ.
Giám đốc điều hành mới sẽ được lựa chọn vào tháng 6 hoặc tháng 7 tới. Sau đó, hội nghị tài chính toàn cầu sẽ tổ chức ở thành phố Cannes của Pháp vào tháng 11. Vì thế, IMF buộc phải chọn được lãnh đạo mới trước sự kiện quan trọng này.
Chuyên gia Morris Goldstein dự đoán nếu châu Âu mất vị trí lãnh đạo IMF thì Mỹ cũng có thể từ bỏ việc soán ngôi ở WB khi ông Robert Zoellick sẽ kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch tổ chức này vào ngày 30-6-2012. Tuy nhiên, không nước châu Âu nào nhận định rằng, đây là cơ hội cho “những người khổng lồ” của thế giới đang phát triển, những nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh hơn thế giới phát triển. Trong đó có Trung Quốc vốn đã thúc đẩy sự đóng góp đáng kể đối với IMF trong những năm gần đây. Nhà phân tích Jan Randolph thuộc hãng IHS Global Insight cho rằng, Trung Quốc có thể dùng ảnh hưởng của mình để ủng hộ ứng viên của thị trường mới nổi vào vị trí lãnh đạo IMF.
VĨNH AN