.

Thái Lan, Campuchia ra tòa án LHQ

.
Thái Lan và Campuchia phải đối mặt nhau tại Tòa án cao nhất của Liên Hợp Quốc (ICJ - LHQ) vào ngày 30-5 (giờ địa phương), trong khi cả hai nước đều thúc đẩy xung đột vốn kéo dài hàng thập niên để kiểm soát khu vực biên giới tranh chấp.

Mô tả ảnh.
Người dân Campuchia sơ tán vì xung đột ở gần đền Preah Vihear. Ảnh: THX
 
Hãng AP cho biết, Campuchia đề nghị ICJ ra lệnh Thái Lan phải rút quân khỏi khu vực biên giới, đồng thời ngừng hoạt động quân sự xung quanh ngôi đền Preah Vihear tranh chấp giữa 2 nước láng giềng Đông Nam Á. Yêu cầu của Phnom Penh vốn bị Bangkok bác bỏ trong các cuộc đàm phán trước đó. Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong nói với ICJ rằng, “cuộc tấn công vũ trang gây chết người” của quân đội Thái Lan ở biên giới tranh chấp là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh khu vực.

Xung đột bắt đầu bùng nổ từ năm 2008, khi việc ngôi đền Preah Vihear được LHQ công nhận là di sản văn hóa thế giới của Campuchia vấp phải sự phản đối của Thái Lan. Các cuộc đàm phán giữa 2 Thủ tướng Campuchia và Thái Lan, với vai trò hòa giải của Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, vào đầu tháng 5 này cũng như trước đó đã thất bại bởi không đạt được một lệnh ngừng bắn lâu dài. Giao tranh xung quanh ngôi đền đã làm 20 người thiệt mạng và hàng chục ngàn người phải đi sơ tán.  

Trong khi đó, tờ Bangkok Post dẫn lời các nhà chức trách Thái Lan khẳng định: Trong phiên tòa kéo dài 2 ngày (ngày 30 và 31-5), Bangkok sẽ tuyên bố mạnh mẽ rằng, ICJ không có thẩm quyền phán xét về đường biên giới tranh chấp giữa đất nước này với Campuchia. Một ngày trước đó, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva cho biết, Chính phủ Bangkok sẵn sàng đấu tranh với vấn đề tranh chấp xung quanh ngôi đền có từ thế kỷ thứ 11. Ngoại trưởng Thái Lan Kasit Piromya đã gặp gỡ nhóm cố vấn pháp lý, bao gồm các luật sư nước ngoài đến từ Pháp, Canada và Úc, để chuẩn bị chứng cứ cho phiên tòa. Đại sứ Thái Lan tại Hà Lan Virachai Plasai cũng có mặt tại ICJ.

Báo Bangkok Post còn cho hay, cả Thái Lan lẫn Campuchia đều có 4 tiếng đồng hồ để phản biện trước ICJ. Tòa án này sẽ trải qua 4-5 tháng để xem xét vụ việc. Phán quyết dự kiến đưa ra vào năm 2012.

Trước tranh chấp của 2 nước láng giềng Đông Nam Á, Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova đã bày tỏ sự thất vọng sau khi 3 ngày đàm phán giữa Campuchia và Thái Lan tại thủ đô Paris của Pháp, dù với nỗ lực của cơ quan thuộc LHQ này, vẫn không mang lại kết quả khả quan nào.

PHÚC NGUYÊN
;
.
.
.
.
.