.
Thế giới tuần qua

Bước tiến cho Gaza

.
Ai Cập đã bất ngờ dỡ bỏ biên giới Rafah phong tỏa Dải Gaza suốt 4 năm qua, vốn làm hạn chế việc đi lại của 1,5 triệu người sống trên lãnh thổ Palestine. Động thái này được cho là bước đệm trước thềm Fatah và Hamas gặp gỡ để bàn thảo vấn đề hòa giải.

Mô tả ảnh.
Yasser Srsaui (bìa phải) vui mừng gặp lại người thân sau khi băng qua biên giới đến Ai Cập.  Ảnh: AP
 
Theo đó, lần đầu tiên sau 4 năm, cửa khẩu Rafah được mở từ 9 giờ đến 17 giờ hằng ngày, trừ thứ sáu và các ngày lễ. Phụ nữ, trẻ em và nam giới trên 40 tuổi sẽ được phép qua lại cửa khẩu tự do. Riêng nam giới từ 18 - 40 tuổi qua biên giới phải có giấy thông hành.

Mong muốn thúc đẩy quan hệ với Palestine, Ai Cập đã cho phép gần 300 người Gaza tiến vào lãnh thổ của mình ngay sau khi biên giới Rafah mở cửa. Song, tính đến hết ngày đầu tiên đã có 450 người băng qua biên giới đến Ai Cập, chỉ 23 người quay trở về vì những quy định an ninh nghiêm ngặt của Cairo. 

“Ngày hôm nay là một viên gạch cho kỷ nguyên mới mở ra con đường kết thúc việc chiếm giữ và phong tỏa Gaza”, Tổng Giám đốc Cơ quan biên giới Hamas tại Gaza Hatem Awideh hoan hỉ nói. Việc thông thương Gaza là sự thay đổi lớn của Ai Cập đối với Israel và Palestine kể từ khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ trong cuộc biểu tình hồi đầu năm nay. Thay vì 300 người Palestine mỗi ngày được qua lại biên giới như trước đây, giờ đây 1.000 người có thể từ Gaza sang Ai Cập và ngược lại. Ngành du lịch và thương mại theo đó sẽ có cơ hội phát triển. Thứ trưởng Ngoại giao của Hamas, ông Ghazi Hamad, khẳng định sẽ hợp tác với Ai Cập để bảo đảm tiến trình qua lại biên giới thông suốt.

Hamas, nhóm Hồi giáo cứng rắn xung đột với Israel, nắm quyền kiểm soát Gaza vào năm 2007. Từ đó, Ai Cập và Israel đã phong tỏa Dải Gaza do lo ngại vũ khí bị tuồn vào cho các nhóm chiến binh. Việc Ai Cập “bắt tay” với Israel vốn bị nhiều người dân phản đối. Tháng 6 năm ngoái, ông Mubarak lúc đó còn giữ cương vị Tổng thống đã quyết định mở lại cửa khẩu nhưng chủ yếu chỉ dành cho hoạt động viện trợ nhân đạo. Rafah trở thành bức màn ngăn cản người Palestine với thế giới. 

Đến tháng 4 vừa qua, Ai Cập thúc đẩy thỏa thuận thống nhất giữa Fatah và Hamas, 2 đối thủ chính trị ở Palestine. Giới chức Cairo đồng thời xác nhận cửa khẩu sẽ được mở lâu dài nhằm nới lỏng tình trạng phong tỏa Gaza mà Israel đã áp đặt. Năm ngoái, Israel đã nới lỏng những hạn chế đối với hàng hóa vào Gaza. Tuy nhiên, hàng hóa cho phép mang vào khu vực vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu.

Với sự kiện Rafah ngày 28-5, Gaza có tín hiệu mới. Cuộc gặp song phương giữa Hamas và Fatah tại thủ đô Cairo vào tuần này sẽ có thêm niềm hy vọng để giải quyết tất cả vấn đề tồn đọng liên quan đến thỏa thuận hòa giải dân tộc. Nỗ lực của Tổng thống Mahmoud Abbas trong việc tìm kiếm sự công nhận của Liên Hợp Quốc đối với một Nhà nước Palestine độc lập cũng hé mở những tia sáng nhất định, cho dù con đường này vẫn đầy ắp khó khăn và bế tắc trong tiến trình hòa bình Trung Đông không đơn giản tháo gỡ. Bởi lẽ, những bất đồng và cả sự không khoan nhượng giữa Palestine với Israel hay ngược lại sẽ là những tảng đá khổng lồ. Palestine không chấp nhận bất kỳ giải pháp nào liên quan đến đường biên giới, xây dựng các khu tái định cư, chia sẻ nguồn nước… Còn Thủ tướng  Benjamin Netanyahu cứng rắn của Israel không chấp nhận việc rút về đường biên giới vào trước năm 1967.

VĨNH AN
;
.
.
.
.
.