.
Thế giới tuần qua

Vỗ về đồng minh cũ

.
Tối 22-5, Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt đầu công du Ireland, Anh, Pháp và Ba Lan.

Mô tả ảnh.
Tổng thống Obama và phu nhân Michelle sẽ đến Ireland vào ngày 23-5. Ảnh: AFP
 
Chuyến công du lần thứ 8 đến châu Âu trong 6 ngày của người đứng đầu Nhà Trắng Barack Obama diễn ra trong lúc chiến dịch ở Libya do NATO dẫn đầu vẫn chưa kết thúc, tiến trình hòa bình Trung Đông trong tuần qua có những dấu hiệu bế tắc, đồng thời kinh tế ở 2 bờ Đại Tây Dương tiếp tục có dấu hiệu suy yếu. Hơn nữa, khi vị trí siêu cường bị lung lay, Mỹ cần sự trợ giúp của những người bạn cũ để đối phó với không ít thách thức, từ biến động chính trị ở Trung Đông, Bắc Phi, đến cuộc chiến kéo dài ở Afghanistan.

Ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Obama và các đồng minh là xác định rõ ràng hơn vai trò của phương Tây trong sứ mệnh mà những quốc gia này gọi là “thúc đẩy ổn định và dân chủ” ở thế giới Arab. Các lãnh đạo châu Âu đang mong chờ xem Tổng thống Mỹ sẽ đề cập đến quan hệ đồng minh giữa 2 bờ đại dương như thế nào khi ông Obama thúc giục các quốc gia ở châu lục này có trách nhiệm hơn ở Afghanistan và Libya.

Mặc dù việc ông Obama kế nhiệm Tổng thống G.W.Bush sau cuộc bầu cử vào cuối năm 2008 được châu Âu hăng hái chào đón nhưng đến nay, họ có những lý do để thất vọng. Bởi lẽ, nhà lãnh đạo của nền kinh tế hàng đầu thế giới không những chưa đóng cửa được nhà tù Guantanamo như cam kết, những sáng kiến thay đổi khí hậu cũng sụp đổ, mà còn để những con rồng châu Á vươn mình và được cho là có thể đe dọa đến tương lai Mỹ. Không những thế, giữa Mỹ và châu Âu cũng có những khác biệt trong giải pháp cứu vãn kinh tế. Ông Obama chú trọng kích thích kinh tế, còn một số nước châu Âu lại chọn cách “thắt lưng buộc bụng”. 

Giới phân tích cuối tuần qua cho rằng, điểm nhấn trong hành trình của ông Obama sẽ là chặng dừng chân ở Anh và Pháp. Mặc dù Mỹ và Anh vốn là đồng minh thân thiết nhất, nhưng quan hệ song phương lại chông chênh ít nhiều với hàng loạt sự kiện gần đây, trong đó có thảm họa tràn dầu lịch sử trên Vịnh Mexico vào năm ngoái vốn khởi nguồn từ vụ nổ giàn khoan dầu của Tập đoàn BP. Rồi việc Anh đơn phương công bố lịch trình rút 10.000 binh sĩ từ Afghanistan về nước làm người bạn lớn Mỹ không tránh khỏi sự hụt hẫng. Pháp đang xem xét đẩy nhanh việc rút 4.000 binh sĩ sau khi trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt. Đã qua rồi thời kỳ nồng ấm giữa châu Âu và Mỹ với cam kết mạnh mẽ ủng hộ Washington ở chiến trường Afghanistan. Vì thế, theo Giám đốc chương trình châu Âu tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế Heather Conley, chuyến thăm Anh của ông chủ Nhà Trắng lần này có thể hàn gắn được quan hệ đặc biệt giữa Washington và London, nhất là khi ông Obama sẽ là Tổng thống Mỹ đầu tiên phát biểu trước Quốc hội tại Cung điện Westminster vào ngày 25-5.

Chặng dừng chân ở Pháp được đánh dấu bằng Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển (G8) tại Deauville. Ông Obama sẽ có các cuộc gặp gỡ song phương với một số lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy.

Cành ôliu mà ông Obama vượt Đại Tây Dương mang theo sẽ xua tan những cơn gió lạnh, gạt bỏ những chỉ trích rằng, nhà lãnh đạo Mỹ thích châu Á hơn châu Âu. Thông điệp mà ông mang đến sẽ là lời khẳng định mạnh mẽ rằng, châu Âu là một phần trong những nỗ lực lớn của Mỹ đối với các vấn đề phức tạp, đồng thời đây là liên minh thành công nhất thế giới.

VĨNH AN
;
.
.
.
.
.