.

Thế giới với bài toán giảm đói nghèo

.

48 nước nghèo nhất thế giới (LDC) có dân số 885 triệu người. Trong đó, 75% người dân sống dưới mức 2 USD/ngày.

 

Mô tả ảnh.
Một người bán nấm hoang dã trên đường phố Zimbabwe.  Ảnh: AFP

 

Hội nghị do Liên Hợp Quốc (LHQ) hậu thuẫn đã khai mạc vào ngày 9-5 tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vạch kế hoạch 10 năm để trợ giúp 48 thành viên LDC. Vấn đề đói nghèo cấp bách của các nước này được đặt ra nhằm tìm kiếm việc cân bằng các liên minh phương Tây truyền thống trong quan hệ với châu Phi, Trung Đông và những khu vực đang phát triển khác.

Theo hãng tin AP, trong số các nước thuộc LDC có Afghanistan - nơi liên quân do Mỹ dẫn đầu đang chiến đấu chống Taliban, và Yemen - quốc gia có ít nhất 140 người biểu tình đã thiệt mạng suốt những tháng qua trong cuộc nổi dậy lật đổ Tổng thống Ali Abdullah Saleh. Tham dự hội nghị kéo dài 5 ngày này có Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso và Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad mặc dù đất nước giàu dầu mỏ của ông không có tên trong danh sách LDC. 

Mục tiêu của hội nghị là thúc đẩy giải pháp giảm đói nghèo đối với LDC trong mối liên hệ với các đối tác quốc tế. LHQ cho biết, chương trình nghị sự tập trung vào đánh giá việc thực hiện chương trình hành động Brussels được thông qua tại Hội nghị LDC ở Bỉ vào năm 2001 và thỏa thuận về giải pháp hỗ trợ cho các thành viên LDC phát triển.

Trong 48 thành viên LDC, có đến 33 nước thuộc châu Phi, 14 nước ở châu Á và quốc gia Haiti ở châu Mỹ. Kể từ khi LHQ đặt ra tiêu chí về các nước nghèo nhất, chỉ có Botswana, Cape Verde và Maldives phát triển đủ để thoát khỏi danh sách này. LDC với tổng dân số 885 triệu người, bao gồm các nước có tổng thu nhập bình quân đầu người hằng năm thấp hơn 905 USD, tỷ lệ suy dinh dưỡng và tử vong ở trẻ em, mức độ giáo dục, cũng như đánh giá “lỗ hổng kinh tế” dựa trên kích cỡ dân số, sự bất ổn định trong sản xuất và xuất khẩu.

Nước chủ nhà Thổ Nhĩ Kỳ được xem là có vai trò chiến lược khi kết nối giữa các lục địa Âu với Á. Thổ Nhĩ Kỳ đóng góp khoảng 1 tỷ USD/năm viện trợ cho các nước nghèo ở vùng Balkan, vùng Trung và Nam Á cũng như châu Phi cận Sahara. Để giảm số thành viên LDC từ 48 nước hiện tại xuống còn 24 nước vào thập kỷ tới, cần có một chương trình hành động cụ thể, mạnh mẽ và khả thi. 

Hãng Reuters dẫn lời Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) Ngozi Okonjo-Iweala cho rằng, nếu chỉ sản xuất vụ mùa vẫn chưa đủ để LDC tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo. Theo bà Okonjo-Iweala, cần phải xử lý sản phẩm và tạo ra việc làm. Nhiều quốc gia nghèo hiện quá phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa và không thể dùng tăng trưởng kinh tế để giảm nghèo. Okonjo-Iweala nói rằng, Botswana đã tạo ra các cơ sở để thúc đẩy thế mạnh khai mỏ, chủ yếu kim cương, tạo đà phát triển kinh tế. Cùng với Botswana, Ethiopia và Rwanda, 2 quốc gia chế biến từ các vụ mùa cà-phê, là những ví dụ điển hình về việc tăng thêm giá trị cho hàng hóa của mình.

Trong 3 năm tới, WB sẽ tăng 49 tỷ USD để ủng hộ cho 79 nước nghèo nhất trên thế giới. Trong đó, theo bà Okonjo-Iweala, sẽ chú trọng đến những nước có xung đột bởi các quốc gia này cần sự hỗ trợ để tránh tình trạng tương tự tái diễn.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.