.

Từ phòng khách sạn 3.000 USD/đêm tới nhà tù

.
Với một ứng viên cánh tả cho chiếc ghế tổng thống Pháp đang cố gắng chứng minh rằng mình đứng về tầng lớp nhân dân lao động, căn phòng 2806 ở khách sạn Sofitel gần quảng trường Times, Manhattan, New York, là quá sức xa xỉ. Với giá 3.000 USD một đêm, trong phòng có một phòng riêng, một phòng hội thảo, phòng khách, phòng ngủ và phòng tắm.

Mô tả ảnh.
Các nhân viên điều tra tiến hành thu thập chứng cứ tại căn phòng ở khách sạn Sofitel tại New York (Nguồn: Getty)
Diện tích mênh mông của căn phòng càng khiến những cáo buộc xâm hại tình dục với ông Dominique Strauss-Kahn, đương kim Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và ứng viên tương lai của ghế tổng thống Pháp, thêm kịch tính. Cô hầu phòng khách sạn đã kể lại rằng, cô bị ông kéo từ phòng này sang phòng khác, bị xâm hại nhiều lần, bởi nhân vật có ảnh hưởng bậc nhất đối với nền kinh tế thế giới.

Guardian kể, khoảng 13 giờ chiều thứ Bảy, một cô hầu phòng 32 tuổi đã vào phòng của ông Strauss-Kahn trên đường West 44 ở trung tâm New York để dọn dẹp theo yêu cầu. Theo lời khai của cô với cảnh sát, ông Strauss-Kahn đã bước ra từ phòng tắm, trần như nhộng và rượt cô chạy dọc hành lang, kéo cô vào phòng ngủ và xâm hại tình dục. Người phát ngôn Sở cảnh sát New York Paul Browne xác nhận ông Strauss-Kahn không mặc gì khi ông “vồ lấy cô ấy và kéo cô vào phòng ngủ và đẩy lên giường.”

Strauss-Kahn, 62 tuổi, sau đó đã cố tình khóa cửa phòng, theo các cáo buộc. “Cô ấy đã chống cự dữ dội, nhưng bị ông ấy kéo vào trong phòng tắm,” Browne nói tiếp. Ở đó, Strauss-Kahn đã xâm hại tình dục với cô một lần nữa, buộc cô quan hệ qua đường miệng và tìm cách lột đồ lót của cô gái tội nghiệp, theo hãng tin AP. Sau khi cô thoát ra được khỏi căn phòng và báo cho các đồng nghiệp, họ đã gọi 911, số điện thoại khẩn cấp của cảnh sát Mỹ.

Khi các điều tra viên tới hiện trường, Strauss-Kahn đã rời khách sạn, để lại điện thoại di động và các đồ đạc các nhân. “Có vẻ như ông ấy đã rất vội vã”, Browne nói. Cô hầu phòng, được giấu tên, được đưa đến bệnh viện và “chỉ bị thương nhẹ”. Cảnh sát New York nhanh chóng theo dấu Strauss-Kahn đến sân bay John F Kennedy. Lúc 16 giờ, ông đã ngồi trên khoang hạng nhất chuyến bay AF23 cũng hãng Air France đi Paris đang chuẩn bị cất cánh. Mười phút trước khi máy bay kịp cất cánh, như trong phim hình sự, hai thanh tra cảnh sát Mỹ đã lên máy bay. “Chuyện gì thế này?,” ông Strauss-Kahn hỏi, trước khi đồng ý đi theo các cảnh sát. Ông không bị còng tay và vụ bắt giữ diễn ra lặng lẽ đến mức các hành khách khác không hề để ý.

Cựu bộ trưởng tài chính Pháp, người đứng đầu IMF và hiện hưởng mức lương 420.930 USD mỗi năm sau thuế, được đưa đến một khu tạm giam tại đồn cảnh sát ở Harlem. Những phóng viên trên toàn thế giới tụ tập kín trước đồn và vào lúc 3 giờ sáng, người phát ngôn cảnh sát nói ông Strauss-Kahn bị buộc tội hình sự: xâm hại tình dục, hiếp dâm và giữ người phi pháp. Lãnh sự Pháp đã gặp ông Strauss-Kahn ngay tối hôm đó, theo luật lệ thông thường về bảo hộ công dân Pháp bị bắt giữ ở nước ngoài, theo một người phát ngôn lãnh sự quán ở New York. Strauss-Kahn ra trước tòa án quận vào buổi chiều ngày Chủ nhật, nhưng một luật sư đại diện cho ông khẳng định thân chủ mình sẽ không nhận tội.

Đến giờ vẫn chưa rõ Strauss-Kahn, đã kết hôn ba lần và có bốn con, đang làm gì tại New York. Trụ sở làm việc của ông ở Washington và theo lịch trình ông có cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel vào tối Chủ nhật ở Berlin. Cuộc gặp bị hủy sau vụ bắt giữ.

Cảnh sát vẫn đang điều tra liệu ông Strauss-Kahn có cố tình rời khách sạn để chạy trốn hay chuyến bay của hãng Air France tới Paris là trong lịch trình từ trước. Truyền thông Pháp cho biết, ông Strauss-Kahn có thỏa thuận lâu dài với Air France rằng ông có thể lên bất cứ chuyến bay nào của hãng này. Truyền hình Pháp thì cho biết, ông có kế hoạch ăn trưa với con gái ở Paris vào Chủ nhật trước khi sang Berlin gặp bà Merkel.

Vợ ông Strauss-Kahn, triệu phú Anne Sinclair, cũng là cựu người dẫn chương trình truyền hình, đang ở trong căn hộ trị giá 4 triệu euro của gia đình bà tại Paris lúc vụ tấn công diễn ra. “Tôi không tin một lời nào trong những cáo buộc đối với chồng tôi,” bà nói sau khi biết tin. “Tôi không chút nghi ngờ sự vô tội của ông ấy. Tôi kêu gọi mọi người kềm chế”.
 
Vietnam+
 
 
;
.
.
.
.
.