.

ASEAN kêu gọi hòa bình trên biển Đông

.
Cùng với các nước trong khu vực, Việt Nam đã khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của Công ước Liên Hợp Quốc (LHQ) về Luật Biển 1982 (SPLOS).

Mô tả ảnh.
Tàu tuần tra Haixun 31 của Trung Quốc. Ảnh: THX
 
Báo Philippines Star ngày 19-6 cho biết, 6 thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã cùng với Philippines kêu gọi giải pháp hòa bình và sử dụng SPLOS để giải quyết tranh chấp trên biển Đông. Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Lào và Singapore đã tham dự Hội nghị SPLOS 21 diễn ra từ ngày 13 đến 17-6 tại New York (Mỹ).

Việt Nam cùng các nước trên nhấn mạnh việc cần thiết giữ vững hòa bình và an ninh trong khu vực. Theo TTXVN, phái đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại LHQ Lê Lương Minh dẫn đầu đã khẳng định về cơ sở pháp lý quốc tế toàn diện, bao quát nhất nhằm điều chỉnh các vấn đề liên quan đến biển và đại dương. Việt Nam cho rằng, mọi hoạt động trên biển phải được tiến hành phù hợp với SPLOS, tôn trọng đầy đủ quyền quốc gia ven biển được hưởng trên các vùng biển được xác định theo Công ước.

TTXVN cho hay, đề cập việc gần đây Trung Quốc đã liên tục phá hoại hoạt động khảo sát bình thường do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiến hành trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Lương Minh khẳng định: Đây là những hành vi có chủ ý, được tính toán kỹ, nhằm mục đích biến các vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam thành khu vực tranh chấp, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm các quy định và nguyên tắc cơ bản của Công ước LHQ. Ông Lê Lương Minh cũng bác bỏ đường yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc ở biển Đông. Trưởng đoàn Việt Nam khẳng định đường yêu sách này hoàn toàn không có bất cứ cơ sở pháp lý quốc tế nào, đặc biệt là theo SPLOS.

Trong khi đó, một tuyên bố của phái đoàn Philippines nêu rõ: Việc tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế duy trì được hòa bình và giải quyết xung đột. Luật pháp quốc tế mang lại tiếng nói bình đẳng cho các quốc gia mà không tính đến tầm vóc chính trị, kinh tế, quân sự. Một tuyên bố khác của Ủy ban Thư ký về các vấn đề hàng hải và đại dương (CMOAS) dẫn lời Tổng Thư ký Henry Bensurto thúc giục tất cả các bên liên quan đến Tuyên bố ASEAN và Trung Quốc (Tuyên bố Ứng xử trên biển Đông - DOC, được ký năm 2002) tuân thủ các quy định trong văn bản này, nhất là cần thiết phải kiềm chế các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang mối tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định. Cuối tuần qua, Tổng thống Philippines Aquino cam kết bảo vệ lãnh thổ của nước ông và không để Trung Quốc bắt nạt trong vấn đề biển Đông.

Cũng theo Báo Philippines Star, tàu khu trục USS Chung-Hoon, một trong 3 tàu chiến của Mỹ tham gia cuộc tập trận chung CARAT trong năm nay tại biển Sulu hiện ở căn cứ hải quân Changi (Singapore), nơi tàu Haixun-31, tàu tuần tra lớn nhất và hiện đại nhất của Trung Quốc cũng đang neo đậu. Căn cứ hải quân Changi là trung tâm của cuộc diễn tập SEACAT do Mỹ dẫn đầu với sự tham gia của các thành viên ASEAN, bao gồm Philippines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Brunei. Hiện chưa rõ tàu khu trục của Mỹ có tham gia vào đợt diễn tập SEACAT kéo dài từ ngày 28-6 đến 8-7 tới hay không.

Theo hãng AP, Mỹ đang muốn đóng vai trò trong việc giải quyết tranh chấp trên biển Đông. Cường quốc hàng đầu thế giới vốn có hiệp ước quốc phòng với Philippines và có nghĩa vụ bảo vệ đồng minh Đông Nam Á này.

PHÚC NGUYÊN
;
.
.
.
.
.