Vấn đề tranh chấp ở biển Đông làm nóng Hội nghị An ninh châu Á lần thứ 10 (Đối thoại Shangri-La) diễn ra từ ngày 3 đến 5-6 tại Singapore. Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh dẫn đầu tham dự hội nghị.
Vị trí các tàu hải giám Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam và cắt cáp của tàu
Bình Minh 02. Ảnh: TTXVN
|
Duy trì hòa bình, ổn định trên biển Đông
Với 6 phiên họp toàn thể, các đại biểu tại Đối thoại Shangri-La đề cập đến thách thức an ninh mới nổi ở khu vực châu Á -Thái Bình Dương; các học thuyết và khả năng quân sự mới tại châu Á; phân phối quyền lực mới tại châu Á và tác động của nó với khu vực; lợi ích an ninh quốc tế của Trung Quốc; đối phó với những thách thức an ninh biển mới; xây dựng lòng tin chiến lược, tránh hậu quả trong trường hợp xấu nhất.
Phát biểu tại phiên họp toàn thể ngày 5-6, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã đề cập về vụ tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp khi đang thăm dò địa chấn ở khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Sáng 26-5, ba tàu hải giám của Trung Quốc xuất hiện và tấn công tàu Bình Minh 02. Các tàu hải giám Trung Quốc đã chạy thẳng vào khu vực khảo sát của tàu Bình Minh 02 mà không hề có cảnh báo và cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02.
Vấn đề trên cũng đã được đưa ra trước đó trong cuộc gặp gỡ song phương giữa Đại tướng Phùng Quang Thanh với người đồng cấp Trung Quốc Lương Quang Liệt bên lề hội nghị. TTXVN dẫn lời Đại tướng Phùng Quang Thanh nêu rõ: “Vụ việc đang gây bức xúc trong dư luận nhân dân và khiến lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam lo ngại”. Đại tướng Phùng Quang Thanh đề nghị quân đội 2 nước bình tĩnh, kiềm chế, không để xảy ra xung đột. Lần này, Đại tướng nhấn mạnh: Việc các tàu Trung Quốc vi phạm lãnh hải Việt Nam gây ra quan ngại không những cho khu vực mà còn cho thế giới.
Philippines cũng tiếp tục cáo buộc Trung Quốc hủy hoại hòa bình và ổn định ở châu Á khi nhiều tàu hải quân của Bắc Kinh xuất hiện tại khu vực biển Đông. Hãng AFP dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh: Hành động của các tàu Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng hòa bình, ổn định của khu vực, xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Manila. Từ tháng 2 đến tháng 5, Chính phủ Manila đã phản đối việc tàu hải quân Trung Quốc không những đụng độ với ngư dân Philippines mà còn đe dọa một tàu thăm dò dầu ngoài khơi của quốc gia này.
Cũng tại phiên họp toàn thể ngày 5-6, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt cam kết sẽ nỗ lực vì hòa bình và ổn định ở khu vực biển Đông. Theo ông Lương Quang Liệt, quan điểm của Chính phủ Bắc Kinh là giải quyết thông qua đàm phán ngoại giao, đồng thời nhất trí với ý kiến của Đại tướng Phùng Quang Thanh về việc 2 nước cần tuân thủ luật pháp quốc tế.
Năm 2002, giữa Trung Quốc và ASEAN đã có một Tuyên bố chung về quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC). Tại hội nghị của ASEAN vào đầu năm nay, các thành viên của hiệp hội này bày tỏ mong muốn sớm đạt được bộ quy tắc ứng xử (gọi là COC) có tính chất ràng buộc hơn, quy định cách thức ứng xử trong khu vực biển tranh chấp. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Toshimi Kitazawa hy vọng qua tham vấn, ASEAN và Trung Quốc sẽ sớm xây dựng được COC, nhanh chóng đưa vào thực hiện vì hòa bình và ổn định của khu vực.
Hợp tác song phương và đa phương
Đối với phương thức giải quyết các tranh chấp trên biển Đông, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho rằng, cần có các cơ chế linh hoạt, đẩy mạnh hợp tác thông qua các kênh song phương và đa phương. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cảnh báo đụng độ tại biển Đông sẽ xảy ra nếu các nước trong khu vực không thỏa thuận được cách thức giải quyết tranh chấp. Ông cũng kêu gọi cơ chế hợp tác đa phương trong vấn đề biển Đông nhằm giảm thiểu nguy cơ căng thẳng.
TTXVN dẫn lời ông Gates nói rằng, Mỹ muốn gắn kết hơn với châu Á trong thế kỷ 21. Người đứng đầu Lầu Năm Góc đánh giá tầm quan trọng ngày càng gia tăng của châu Á và tái khẳng định cam kết của Washington trong việc hiện diện lâu dài ở Đông Á. Ông còn bày tỏ lạc quan rằng, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) sẽ là cơ chế chủ chốt để thúc đẩy giải quyết những vấn đề mà các quốc gia cùng quan tâm, trong đó có an ninh biển, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, hoạt động gìn giữ hòa bình. “An ninh hàng hải là một vấn đề đặc biệt quan trọng đối với khu vực này, bởi các tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ và việc sử dụng các vùng nước sao cho thích hợp đang đặt ra những thách thức hằng ngày cho an ninh và thịnh vượng của khu vực”, ông Gates nói.
Luật pháp quốc tế được phản ánh trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 đã quy định rõ ràng về những vấn đề trên biển. Ông Gates cho rằng, thông qua làm việc cùng nhau trong các diễn đàn đa phương cũng như tôn trọng triệt để các nguyên tắc đem lại lợi ích cho tất cả các nước trong khu vực có thể đảm bảo tất cả các bên đều bình đẳng sử dụng các đường hàng hải quốc tế.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi đánh giá cao tầm quan trọng của biển Đông và thúc giục giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình. Ông Hamidi đề nghị các bên liên quan xác định rõ và xây dựng lòng tin nhằm loại bỏ căng thẳng, tránh chạy đua vũ trang trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. “Xây dựng lòng tin là bước đi quan trọng đầu tiên trên con đường ngàn dặm nhằm đảm bảo an ninh biển cho khu vực này”, ông Hamidi nói.
PHÚC NGUYÊN