.

Cộng đồng quốc tế chỉ trích Trung Quốc

.

Sau vụ tàu Trung Quốc lần thứ hai cắt cáp của tàu khảo sát Việt Nam, các nhà chức trách và chuyên gia quan sát quốc tế đã lo ngại về căng thẳng trên biển Đông.

 

Mô tả ảnh.
Tàu hải giám Trung Quốc mang số hiệu 84 đã vi phạm lãnh hải Việt Nam. Ảnh: TTXVN

 

Hãng thông tấn AFP dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner bày tỏ quan ngại về căng thẳng ở vùng biên giới lãnh hải tranh chấp trên biển Đông và kêu gọi giải pháp hòa bình để tháo gỡ khủng hoảng. Ông Toner nhấn mạnh: Mỹ ủng hộ tiến trình hợp tác ngoại giao và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế để tránh xung đột, cả trên đất liền lẫn ở vùng biển, theo luật quốc tế. Theo ông Toner, Trung Quốc cam kết hòa bình ở biển Đông, nhưng hành động của Bắc Kinh gây quan ngại cho các nước trong khu vực. Hôm nay (13-6, theo giờ địa phương), Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb sẽ đệ trình Nghị quyết lên Thượng viện nước này để chỉ trích việc Trung Quốc dùng vũ lực ở biển Đông.

Thông cáo báo chí đăng tải trên trang web của Văn phòng Thượng nghị sĩ bang Virginia (Mỹ) vào cuối tuần qua mô tả 3 tàu an ninh hàng hải của Trung Quốc đã làm hỏng cáp của tàu thăm dò Việt Nam Viking 2 nằm trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Thông cáo nêu rõ: “Kiểu đe dọa của Trung Quốc gây quan ngại sâu sắc. Mỹ có lợi ích chiến lược rõ ràng trong việc tạo điều kiện cho cơ chế đa phương, hòa bình, hướng tới giải quyết các tranh chấp, bảo đảm tiếp cận cởi mở đối với vấn đề thương mại và tôn trọng luật pháp quốc tế”.

Philippines phản ứng mạnh mẽ

Tuyên bố của nghị sĩ Philippines Francis Pangilinan trên Báo Philippine Daily Inquirer cho rằng, cần đưa vấn đề tranh chấp ra Liên Hợp Quốc và Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) để 2 cơ quan này có các giải pháp can thiệp. Gọi động thái của Trung Quốc là cách cư xử phi ngoại giao, ông Pangilinan kêu gọi các nước không nhượng bộ trước sức ép của Bắc Kinh.

Ngày 12-6, Thống đốc Philippines Albay, ông Joey Salceda, thúc giục Chính phủ Manila ra lệnh cấm và tẩy chay hàng hóa Trung Quốc. Vị quan chức vốn là đồng minh của Tổng thống Aquino cho rằng, nước ông không thể phụ thuộc vào các nước khác trong mối căng thẳng đe dọa đến lãnh thổ chủ quyền quốc gia. Năm 2010, thâm hụt thương mại giữa Philippines với Trung Quốc đạt 900 triệu USD. Manila nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc trị giá 7 tỷ USD, trong khi hàng hóa của nước này được đưa sang Bắc Kinh trị giá 6 tỷ USD. Theo ông Salceda, việc tẩy chay hàng hóa Trung Quốc sẽ buộc các nhà xuất khẩu đi tìm kiếm những thị trường thay thế.

Trước cam kết của Mỹ trong việc hỗ trợ Philippines chống lại các mối đe dọa an ninh, Thượng nghị sĩ Francis Escudero, cựu Chủ tịch Ủy ban Thượng viện về an ninh và quốc phòng quốc gia khuyến cáo rằng, các quan chức Chính phủ Manila không nên phụ thuộc vào Washington trong vấn đề tranh chấp trên biển Đông với Trung Quốc. Ông Escudero nhấn mạnh: Chính phủ nên xem xét Hiệp ước Quốc phòng chung với Mỹ để bảo đảm lực lượng Washington có thể đến giải cứu khi Manila bị tấn công vì tranh chấp lãnh hải. Mỹ và Philippines cũng đang có kế hoạch diễn tập hải quân chung mang tên CARAT vào cuối tháng 6 này mặc dù Bắc Kinh đã cảnh báo rằng, Washington không nên can thiệp vào vấn đề biển Đông. Song, Washington và Manila đều cho biết, cuộc tập trận này không nhằm vào Trung Quốc.

Chủ tịch ASEAN lên tiếng

Chỉ trong 2 tuần, các tàu Trung Quốc đã 2 lần cắt cáp tàu thăm dò của Việt Nam trong phạm vi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhật báo Yomiuri của Nhật Bản cho rằng, Bắc Kinh đã phá vỡ Tuyên bố chung về quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) ký kết với ASEAN vào năm 2002.

Indonesia, nước đang đảm nhận Chủ tịch ASEAN, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và tuân thủ DOC. Tháng 10 tới, Indonesia sẽ chủ trì Hội nghị cấp cao Đông Á với sự tham gia của Mỹ. Báo Bangkok Post dẫn lời các nhà quan sát nhận định: Đây sẽ là dịp để ASEAN tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết căng thẳng trên biển Đông, buộc Trung Quốc tuân thủ các cam kết. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Michael Tene nói rằng, ASEAN và Trung Quốc cần quay trở lại với những nguyên tắc trong nỗ lực thực hiện đầy đủ DOC.

Việt Nam hoan nghênh nỗ lực giải quyết tranh chấp

Hãng Reuters cho biết, Việt Nam hoan nghênh các nỗ lực của cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, nhằm hỗ trợ giải quyết tranh chấp trên biển Đông. Hàng loạt hãng thông tấn quốc tế như AP, AFP, Reuters… ngày 11 và 12-6 đã đưa tin về cuộc tập trận Hải quân thường niên của Việt Nam diễn ra tại Quảng Nam vào hôm nay (13-6) vốn được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga chính thức xác nhận.

Trước đó, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan tới thông tin Hải quân Việt Nam sẽ tổ chức huấn luyện bắn đạn thật từ 18 giờ đến 24 giờ tại vùng biển Hòn Ông, tỉnh Quảng Nam ngày 13-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga cho biết: “Đây là hoạt động huấn luyện thông thường hằng năm tại khu vực Hải quân Việt Nam vẫn thường xuyên huấn luyện theo chương trình và kế hoạch huấn luyện hằng năm của các đơn vị trong Quân đội Nhân dân Việt Nam”. Bà Nguyễn Phương Nga cũng khẳng định: “Giữ hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn trên biển Đông là mối quan tâm chung của tất cả các quốc gia trong và ngoài khu vực”.

Trước cáo buộc từ Bắc Kinh cho rằng, Việt Nam “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc”, “đe dọa an ninh quốc gia và cuộc sống của những ngư dân Trung Quốc”, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã mạnh mẽ lên án việc Bắc Kinh cố tình bóp méo sự thật, gây hoang mang dư luận trong khu vực cũng như quốc tế.

THIÊN BÌNH

PHÚC NGUYÊN

 

;
.
.
.
.
.