Hy Lạp đang rơi vào khủng hoảng chính trị xung quanh chính sách “thắt lưng buộc bụng” của Thủ tướng George Papandreou để giải quyết bài toán nợ công.
Những người biểu tình xung đột với cảnh sát ở thủ đô Athens. Ảnh: NYT |
Ngày 16-6, thêm 2 nghị sĩ rút khỏi đảng cầm quyền, đe dọa đến kế hoạch cải tổ nội các của Thủ tướng George Papandreou và việc thông qua chính sách cắt giảm chi tiêu. Cựu Thứ trưởng Tài chính 55 tuổi George Floridis và nghị sĩ 59 tuổi Hector Nasiokas đã lần lượt công bố từ chức. Cả hai đều chỉ trích việc Chính phủ muốn giảm lương và tăng thuế mặc dù đây là một phần trong nỗ lực cứu vãn kinh tế. Với động thái này, hãng Reuters dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, vẫn chưa rõ ông Papandreou có thể hình thành được Chính phủ thống nhất hay không.
Trước áp lực từ các cuộc biểu tình biến thành bạo động, Thủ tướng Papandreou đã đề nghị giải tán Chính phủ và thành lập một Chính phủ thống nhất với các đảng đối lập. Ngay sau khi công bố quyết định này, theo hãng tin Reuters, ông Papandreou dự kiến thay thế Bộ trưởng Tài chính George Papaconstantinou, “kiến trúc sư chính” đối với việc cắt giảm ngân sách theo yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhưng không được lòng cử tri.
Để nhận được gói cứu trợ trị giá 110 tỷ euro (158 tỷ USD) của EU và IMF, Hy Lạp phải thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”, giảm chi tiêu, tăng thuế, giảm lương khu vực công và bán tài sản của Nhà nước. Theo đó, việc tăng thuế và cắt giảm 6,5 tỷ euro (9,4 tỷ USD) sẽ được thực hiện trong năm nay. Kế hoạch cắt giảm chi tiêu trong 5 năm, từ năm 2012-2015 sẽ là 28 tỷ euro (40,5 tỷ USD) và ông Papandreou kỳ vọng được Quốc hội phê chuẩn để cứu cánh cho nền kinh tế của đất nước. Tuy vấp phải sự phản đối của các đảng đối lập và cử tri Hy Lạp, nhưng Thủ tướng Papandreou vẫn quyết tâm theo đuổi các cam kết của mình và cho rằng, việc “thắt lưng buộc bụng” là điều sống còn, tương tự các nước châu Âu khác đã được EU và IMF giải cứu.
Lãnh đạo Đảng Dân chủ mới Antonis Samaras nói rằng, cách duy nhất để Hy Lạp thoát khỏi khủng hoảng là tổ chức bầu cử sớm. Song, các nhà phân tích nhận định: Điều này chỉ xảy ra khi Chính phủ thất bại trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội.
Báo New York Times cho biết, sự ủng hộ dành cho Thủ tướng Papandreou đang giảm mạnh, thậm chí sự chống đối xảy ra ngay cả trong nội bộ Đảng Xã hội (PASOK) của ông. Nhiều thành viên trong đảng cầm quyền đã rời bỏ PASOK để trở thành nghị sĩ độc lập, khiến đảng này còn lại 155 ghế trong tổng số 300 ghế của Quốc hội. Ông Samaras đã phản đối việc cắt giảm chi tiêu, kêu gọi giảm thuế và đàm phán lại các điều khoản trong thỏa thuận của Hy Lạp với các tổ chức quốc tế cho vay.
Theo hãng Reuters, ước tính riêng ngày 15-6 có đến 40.000 người xuống đường biểu tình phản đối Chính phủ. Với người dân Hy Lạp, chính sách khắc khổ này như giọt nước tràn ly bởi họ chỉ trích nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng là do các định chế tài chính. Cuộc đình công và biểu tình quy mô lớn đã làm tê liệt mọi hoạt động ở đất nước châu Âu này, từ công sở đến ngân hàng, giao thông công cộng đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chính phủ mới của ông Papandreou sẽ đối mặt với cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội vào ngày 21-6 tới.
THIÊN BÌNH