.

Nan giải bài toán nạn đói

.

Các chuyên gia đã tranh luận về phản ứng đối với khủng hoảng lương thực toàn cầu tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế của châu Mỹ.     

 

Mô tả ảnh.
Thanh niên tham gia tuần hành chống nạn đói ở Tegucigalpa (Honduras) ngày 29-5. Ảnh: Reuters

 

Diễn đàn Kinh tế quốc tế của châu Mỹ ở Montreal (Canada) nóng lên với bài toán nan giải: Nạn đói. Hàng loạt thách thức đặt ra trong vấn đề khủng hoảng lương thực toàn cầu, bao gồm bạo lực, biểu tình chống Chính phủ và việc thiếu đói đe dọa hàng triệu triệu người. Ngoài ra còn có sự mâu thuẫn xung quanh các chính sách nông nghiệp cần thiết, đó là việc người dân thành thị muốn giá lương thực rẻ, trong khi người nông dân nghèo cần giá lương thực cao.  

Hãng AFP dẫn lời Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) Angel Gurria nhận định: Giá lương thực là vấn đề của sự sống còn, nhất là với người nghèo, những người phải tiêu tốn từ 80-90% thu nhập vào lương thực. Tại diễn đàn, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, sự thiếu hụt lương thực là chất xúc tác trong các cuộc nổi dậy ở Trung Đông. Tháng 8 vừa qua, Nga cấm xuất khẩu lúa mì nên đã hủy 600.000 đơn đặt hàng từ Ai Cập, trong khi người dân ở đất nước Trung Đông này dành 40% thu nhập cho lương thực. Giá lương thực tăng vọt sau đó và bạo loạn đã xảy ra.

Tổng Thư ký OECD Gurria cảnh báo rằng, với lệnh hạn chế xuất khẩu, các Chính phủ đã góp phần làm trầm trọng thêm việc tăng đột biến giá lương thực. Ông kêu gọi thay vì hạn chế hoặc cấm, hãy để thị trường xác định dòng chảy của lương thực.

Vị chuyên gia kinh tế hàng đầu của OECD cho rằng, các nước đang phát triển cần thúc đẩy cơ sở hạ tầng và bảo đảm việc quản lý tốt để thu hút đầu tư. Chẳng hạn, ở Ấn Độ, từ 30-40% sản lượng nông nghiệp bị thiệt hại do thiếu cơ sở hạ tầng, phương tiện vận chuyển và các cảng.

Chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) John Baffes nhấn mạnh đến các yếu tố bất ngờ của thời tiết, chi phí năng lượng cao hơn, đồng USD suy yếu và nhu cầu lương thực cho nhiên liệu sinh học đã tạo ra “cơn bão hoàn hảo” dẫn đến giá lương thực tăng cao trong thập niên qua. Cũng như Tổng Thư ký Gurria, ông Baffes cảnh báo rằng, hạn chế xuất khẩu là con đường dẫn đến việc thiếu lương thực.

Một trong những nhà nông học uy tín bậc nhất nước Pháp, giáo sư Marcel Mazoyer, cho biết hiện có 3 tỷ người chịu tình trạng thiếu lương thực, 2 tỷ người ốm và bị các bệnh liên quan đến suy dinh dưỡng, và năm 2010 có 925 triệu người thiếu đói mỗi ngày. Giáo sư Mazoyer nói rằng, nghèo đói toàn cầu là vấn đề lớn đối với người dân nghèo ở nông thôn. Theo ông, sản lượng lương thực cần gia tăng 30% để đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ. Đồng thời, ông kêu gọi các Chính phủ đầu tư trang thiết bị và trả cho người nông dân mức chi phí để họ trang trải cuộc sống, chứ không theo giá thị trường.

Trong lúc đó, Mạng lưới Cảnh báo sớm về nạn đói toàn cầu (Fewsnet) cho biết, khủng hoảng an ninh lương thực nghiêm trọng nhất thế giới tiếp tục diễn ra ở vùng sừng Đông Phi, bao gồm Ethiopia, Kenya và Somalia. Vì thế, khu vực này cần sự trợ giúp khẩn cấp để vượt qua khủng hoảng.

Báo cáo của Tổ chức Nông - Lương Liên Hợp Quốc cũng cho biết, Bắc châu Âu đang đối mặt với hạn hán và đe dọa làm thiệt hại các mùa vụ. Miền nam của nước Mỹ cũng rơi vào tình trạng tương tự. 

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.