.

Nghi phạm E.coli là giá đỗ ở Đức

.
* Dịch E.coli lan sang Mỹ

Giới chức Đức xác nhận giá đỗ được trồng ở miền bắc nước này có thể là nguồn dịch E.coli, gây ra chứng tiêu chảy, làm 22 người thiệt mạng, hơn 2.200 người nhiễm bệnh và ảnh hưởng đến 12 quốc gia trên thế giới.

Mô tả ảnh.
Giá đỗ ở Đức đang gây quan ngại về dịch E.coli. Ảnh: AP
 
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Nông nghiệp bang Hạ Saxony, ông Gert Lindemann cho biết, có những bằng chứng cho thấy vi khuẩn xuất phát từ một nông trại sản xuất giá đỗ ở Uelzen, cách thành phố Hamburg 70km về phía nam. Bộ trưởng Lindemann khẳng định có những mối liên quan rõ ràng giữa rau trồng ở nông trại này với thức ăn mà các nạn nhân đã dùng. Ông Lindemann còn cho hay, không chỉ giá đỗ mà còn các loại rau khác cũng liên quan đến dịch bệnh. Nông trại Uelzen đã bị đóng cửa. Các sản phẩm từ nông trại này cũng bị thu hồi và các kết quả kiểm tra đồng thời được công bố. Ông Lindemann khuyến cáo người tiêu dùng ở miền bắc nước Đức tránh sử dụng tất cả các loại giá đỗ.

Tuy nhiên, các quan chức không chắc chắn nguồn bệnh chỉ xuất phát từ nông trại Uelzen. Sản phẩm ở nông trại được phân phối đến các nhà hàng và hệ thống thức ăn tại 5 bang miền bắc, bao gồm: Hamburg, Schleswig-Holstein, Mecklenburg-Vorpommern, Hesse và Hạ Saxony.

Theo Bộ trưởng Y tế Daniel Bahr, các cơ sở y tế ở Hamburg - thành phố lớn thứ hai của Đức và là tâm điểm của dịch E.coli bùng phát từ 3 tuần trước - đang đối phó với việc số người nhiễm bệnh tăng lên. Hơn 2.150 người Đức đã bị nhiễm chủng khuẩn E.coli (EHEC) nguy hiểm, tập trung chủ yếu ở thành phố Humburg. Đến nay có 21 người Đức và một người Thụy Điển tử vong. Nhiều trường hợp khác có thể đã chuyển sang hội chứng tan urê huyết (HUS). Hãng Reuters cho biết, các bệnh viện ở Hamburg đang quá tải.
Trong khi dịch E.coli đang gây lo ngại ở châu Âu, Mỹ cũng vừa phát hiện 4 trường hợp nhiễm bệnh. Cả bốn bệnh nhân này thời gian gần đây đã đến Hamburg. Người phát ngôn Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) Siobhan DeLancey nói rằng, không có dấu hiệu cho thấy hệ thống cung cấp thực phẩm của Mỹ bị nhiễm E.coli. Song, để bảo đảm an toàn, FDA khẳng định sẽ giám sát cà chua, dưa chuột, rau diếp và các nguyên liệu trộn salad nhập khẩu từ những khu vực đáng quan ngại.

Trong những tuần qua, các nhà chức trách đã cảnh báo người tiêu dùng không ăn cà chua, dưa chuột và rau diếp. Với Tây Ban Nha, mặc dù thông tin dưa chuột ở quốc gia này là nguồn bệnh đã bị bác bỏ nhưng các nông dân thiệt hại khoảng 200 triệu euro/tuần và có thể yêu cầu bồi thường. Khủng hoảng đã khiến đất nước vốn có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong Liên minh châu Âu (EU) nay lại có thêm 70.000 người mất việc.

Tuy giá đỗ bị nghi ngờ là thủ phạm, nhưng đến lúc này, các nhà nghiên cứu Đức vẫn chưa chỉ ra được một cách chính xác nơi nào và loại thực phẩm nào gây ra đợt bùng phát dịch chết người này.

Ngày 7-6, các Bộ trưởng Nông nghiệp thuộc Liên minh châu Âu (EU) sẽ tổ chức cuộc họp khẩn cấp tại Luxembourg để bàn giải pháp đối phó với khủng hoảng thực phẩm nhiễm độc và những tác động kinh tế. Người phát ngôn của EU Roger Waite nói rằng, các Bộ trưởng sẽ xem xét liên minh này có thể phản ứng như thế nào trước những ảnh hưởng kinh tế do dịch E.coli gây ra. Các Bộ trưởng Y tế của EU cũng nhóm họp riêng vào ngày 6-6. 
BÌNH YÊN
;
.
.
.
.
.