.

Tàu sân bay hạt nhân Mỹ tuần tra biển Đông

.
Tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ USS George Washington ngày 12-6 đã rời cảng Yokosuka, thuộc tỉnh Kanagawa của Nhật Bản để bắt đầu cuộc tuần tra chung ở biển Tây Thái Bình Dương, trong đó có khu vực biển Đông.

Mô tả ảnh.
Tàu USS George Washington của Mỹ. Ảnh: Reuters
 
Báo Japan Today ngày 13-6 cho biết, cuộc tuần tra dự kiến kéo dài một vài tháng và diễn ra trong lúc có những quan ngại về sự hiện diện ngày càng gia tăng của Hải quân Trung Quốc tại khu vực này. Theo Hãng Kyodo, đây là hoạt động phối hợp chung với các nước khác tuần tra những vùng biển, bao gồm cả biển Đông. Phát biểu trước khi khởi hành, Tư lệnh của USS George Washington, thuyền trưởng David Lausman khẳng định: Cuộc tuần tra hướng tới việc tạo sự ổn định cho toàn bộ khu vực. Song, ông Lausman không đề cập cụ thể tên quốc gia nào liên quan.

USS George Washington không những được mệnh danh là ngôi sao Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ, mà còn được ví von là căn cứ quân sự trên biển. Con tàu dài 333m, rộng 78m, cao 74m, tức tương đương tòa nhà 24 tầng và có diện tích 18.000m², có thể chứa 80 máy bay chiến đấu.

Trước đó, ngày 8-6, tàu khu trục có trang bị tên lửa USS Chung-Hoon của Mỹ cũng rời Trân Châu Cảng ở Hawaii và tiến về Tây Thái Bình Dương với sứ mệnh xác định quyền tự do đi lại trong khu vực, thúc đẩy hòa bình, an ninh cũng như sẵn sàng cứu trợ nhân đạo. USS George Washington và USS Chung-Hoon được điều đến Tây Thái Bình Dương đúng lúc Trung Quốc liên tục bị cáo buộc xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam và Philippines.

Báo New York Times tối 12-6 cũng cho biết, Hải quân Mỹ đã chặn một tàu của CHDCND Triều Tiên bị tình nghi chở công nghệ tên lửa sang Myanmar, sau đó buộc tàu này phải quay lại. Tờ báo này dẫn lời một quan chức của Mỹ nói rằng, tàu hàng Triều Tiên mang tên M/V Light nhưng treo cờ Belize. Tàu khu trục USS McCampbell của Mỹ bắt kịp tàu M/V Light trên vùng biển phía Nam Thượng Hải (Trung Quốc) vào ngày 26-5. Các quan chức người Belize trên tàu đã cho phép phía Mỹ kiểm tra con tàu nhưng phía CHDCND Triều Tiên 4 lần từ chối việc cho kiểm tra. Sau một vài ngày, con tàu chết máy và phải quay về cảng nhà với sự theo dõi sát sao của các máy bay và vệ tinh định vị của Mỹ.

Cũng theo Báo New York Times, đây là một minh chứng cho thấy, Washington có thể kết hợp sức mạnh hải quân và áp lực ngoại giao để thực thi các lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc với CHDCND Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân năm 2009. Một nghị quyết của Liên Hợp Quốc được thông qua vào năm 2010 cho phép các thành viên của cơ quan này được thanh sát việc vận chuyển hàng hóa của CHDCND Triều Tiên trên đất liền, trên không và trên biển.

PHÚC NGUYÊN
;
.
.
.
.
.