.

Thủ tướng Nhật đối phó khủng hoảng

.
Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền đang chia rẽ chung quanh việc tạo áp lực buộc Thủ tướng Naoto Kan từ chức.

Mô tả ảnh.
Thủ tướng Naoto Kan đã bác bỏ việc từ chức. Ảnh: Reuters
 
Các nghị sĩ ngay trong DPJ của Thủ tướng Naoto Kan ngày 1-6 tiếp tục gây sức ép đối với nhà lãnh đạo này trong lúc ông phải giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân. Nội bộ đảng cầm quyền đe dọa sẽ ủng hộ cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của đảng đối lập đối với Thủ tướng Kan nếu ông không chịu từ chức.

Hãng Reuters dẫn lời nhiều nhà phân tích cho rằng, Thủ tướng Kan sẽ vượt qua cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội vào hôm nay (2-5), nhưng ông sẽ vẫn đối mặt với trở ngại lớn trong việc thực hiện chính sách, bao gồm một ngân sách bổ sung để tái thiết đất nước sau thảm họa kép động đất và sóng thần ngày 11-3 vừa qua. Nghị sĩ Kenko Matsuki - đồng minh với Tổng Thư ký DPJ Ichiro Ozawa, đối thủ chính của Thủ tướng ngay trong đảng cầm quyền - nói rằng các nghị sĩ chống đối có thể có đủ số phiếu để thực hiện việc bất tín nhiệm và sẽ buộc người đứng đầu Chính phủ Tokyo phải từ chức hoặc kêu gọi bầu cử sớm.  

Theo các nhà quan sát, bầu cử trước thời hạn sẽ gặp nhiều khó khăn trong lúc đất nước đang chật vật sau thảm họa sóng thần và hạt nhân. Các nghị sĩ DPJ muốn ông Kan từ nhiệm trước khi tiến hành cuộc bỏ phiếu lật đổ nhà lãnh đạo này. Động thái của DPJ có thể dọn đường cho một nhà lãnh đạo mới lên nắm quyền và hình thành một liên minh lớn, hoặc ít nhất sẽ hợp tác tốt hơn với Đảng Dân chủ Tự do đối lập chính (LDP).   

Báo Asahi cho biết, hơn 50% nghị sĩ ủng hộ ông Ozawa. “Tướng quân bóng tối” Ozawa muốn thúc đẩy việc bỏ phiếu bất tín nhiệm nhưng cần có 70 phiếu của các nghị sĩ DPJ để đảm bảo thành công tại Hạ viện có 480 ghế, trong đó đảng cầm quyền nắm 305 ghế.

Thủ tướng Naoto Kan, nhà lãnh đạo thứ năm của Nhật Bản kể từ năm 2006, đang nỗ lực kiểm soát khủng hoảng tại Mhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Ông Kan khẳng định không có ý từ chức và muốn tiếp tục tại nhiệm để thực hiện các công việc còn dang dở. Nhà lãnh đạo này đã gặp gỡ các nghị sĩ của cả hai đảng, DPJ và LDP, trước khi cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm diễn ra. 

Nhóm thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 1-6 cho rằng, Nhật Bản đã đánh giá thấp mối đe dọa sóng thần đối với Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, đồng thời cần giám sát chặt chẽ cộng đồng và sức khỏe của công nhân trong khủng hoảng.

Theo các chuyên gia của IAEA, khủng hoảng tại Nhật Bản đã để lại nhiều bài học cho ngành công nghiệp hạt nhân toàn cầu. Trong đó, việc vận hành nhà máy hạt nhân phải xem xét những nguy cơ của thiên tai và cần có các trung tâm phản ứng khẩn cấp để đối phó thảm họa. IAEA sẽ đệ trình báo cáo về khủng hoảng ở Nhật Bản lên hội nghị an toàn hạt nhân tại Vienna (Áo) từ ngày 20 đến 24-6.

PHÚC NGUYÊN
;
.
.
.
.
.