.

Thượng viện Mỹ phê phán Trung Quốc

.
Thượng viện Mỹ ngày 27-6 (giờ địa phương) đã nhất trí thông qua nghị quyết phê phán việc các tàu Trung Quốc sử dụng vũ lực trong những cuộc tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông.

Mô tả ảnh.
Tàu Hải quân Mỹ tham gia tập trận cùng Philippines.  Ảnh: AFP
 
Nghị quyết mang tính tượng trưng của Mỹ kêu gọi tiến trình đa phương và hòa bình để giải quyết các tranh chấp. Các nghị sĩ tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết một cách hòa bình những tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông và thúc giục các bên liên quan kiềm chế đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực để khẳng định chủ quyển lãnh thổ của mình. Nghị quyết còn ủng hộ việc quân đội Mỹ tiếp tục hoạt động hỗ trợ quyền tự do hàng hải tại các vùng biển và không phận quốc tế ở Biển Đông.

Hãng AP dẫn lời Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Jim Webb, Chủ tịch Tiểu bang Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, nói rằng các nước Đông Nam Á đang lo lắng về sự đe dọa của Trung Quốc. Theo ông Webb, Mỹ có mối quan tâm chiến lược đến các cuộc đàm phán đa phương để tháo gỡ căng thẳng. Ông khẳng định: Việc Thượng viện Mỹ thông qua nghị quyết trên là bước tiến quan trọng để hình thành cơ chế đa phương nhằm giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Trung Quốc vốn luôn từ chối việc đàm phán đa phương và chỉ muốn thương lượng trực tiếp với các nước liên quan trong vấn đề Biển Đông.
Trước chỉ trích trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã bác bỏ nghị quyết của Thượng viện Mỹ và cho rằng, việc tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông nên được giải quyết hòa bình thông qua đàm phán “giữa các bên liên quan trực tiếp”.

Trong khi đó, các nhà phân tích thuộc Viện Lowy, một trong những Viện nghiên cứu chính sách nổi tiếng của Úc, ngày 28-6 cảnh báo căng thẳng đang gia tăng trên Biển Đông liên quan đến Trung Quốc có thể dẫn đến chiến tranh ở châu Á. Trong báo cáo của Viện Lowy, các học giả Rory Medcalf và Raoul Heinrichs viết: “Các tuyến đường biển của châu Á - Thái Bình Dương đang trở nên đông đúc, nóng bỏng và dễ bị tổn thương do nguy cơ xung đột vũ trang. Lực lượng hải quân và không quân đang được tăng cường trong lúc cán cân sức nặng chiến lược kinh tế đang có sự thay đổi”. Theo 2 tác giả Medcalf và Heinrichs, các cuộc tuần tra hàng hải và giám sát xâm nhập diễn ra ngày càng nhiều, cùng với chủ nghĩa dân tộc và những tranh chấp về tài nguyên khiến việc quản lý tranh cãi về chủ quyền biển sẽ trở nên khó khăn hơn.

Cũng trong ngày 28-6, Mỹ và Philippines tham gia tập trận Hải quân mang tên CARAT ở biển Sulu, gần Biển Đông trong lúc căng thẳng tại khu vực này vẫn chưa được tháo gỡ. Hãng AFP cho biết, cuộc diễn tập kéo dài 11 ngày bắt đầu vào 15 giờ (giờ địa phương) với sự tham gia của 2 tàu khu trục Mỹ có tên lửa dẫn đường, bao gồm USS Chung-Hoon, USS Howard, cùng tàu cứu hộ USNS Safeguard và 800 thủy thủ. Phía Philippines triển khai 2 tàu chiến thời Thế chiến thứ hai cùng 450 thủy thủ.

Tuy cuộc tập trận diễn ra trong lúc căng thẳng vẫn tiếp diễn trên Biển Đông, nhưng cả Mỹ lẫn Philippines đều tuyên bố rằng, đây là hoạt động thường niên giữa 2 nước có lịch sử hợp tác lâu đời và không liên quan đến tranh chấp về vùng biển thời gian qua.

PHÚC NGUYÊN
;
.
.
.
.
.