.

Ấn Độ, Pakistan xây dựng niềm tin

.

Cựu đại sứ Ấn Độ tại Mỹ Lalit Mansingh nhận định: Đối thoại sẽ giúp New Delhi và nước láng giềng Pakistan không đi đến chiến tranh.

 

Mô tả ảnh.
Ngoại trưởng Ấn Độ Krishna (trái) gặp gỡ người đồng cấp Pakistan Hina Rabbani Khar. Ảnh: AFP

 

Ngày 27-7, Ngoại trưởng Ấn Độ S.M. Krishna và người đồng cấp Pakistan Hina Rabbani Khar đã có cuộc hội đàm lần đầu tiên trong một năm. Hãng AFP cho rằng, động thái này thổi làn gió mới cho tiến trình hòa bình vốn bị ngưng trệ sau các vụ tấn công Mumbai vào tháng 11-2008.

Phát biểu với báo giới ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ, nữ Ngoại trưởng đầu tiên và trẻ nhất của Pakistan nói rằng, 2 nước láng giềng đã rút ra những bài học từ lịch sử nhưng không bị sức ép gánh nặng của lịch sử. Theo nhà ngoại giao 34 tuổi này, New Delhi và Islamabad có thể thúc đẩy trở thành những người láng giềng tốt, thân thiện, cùng chia sẻ những lợi ích trong tương lai, đồng thời hiểu trách nhiệm của cả hai đối với thế giới và khu vực.

Thực tế, giới quan sát và các nhà chức trách của cả Ấn Độ lẫn Pakistan đều không mong đợi nhiều vào việc phá vỡ bế tắc trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa 2 đối thủ Nam Á. Cuộc hội đàm lần này cũng không có sự tham dự của đại diện vùng Kashmir. Song, 2 nước chịu ngồi vào bàn nghị sự là dấu hiệu cho thấy không bên nào muốn trượt dài trong xung đột ở một khu vực nguy hiểm nhất thế giới. Vì thế, Ngoại trưởng Krishna và người đồng cấp Khar được kỳ vọng thống nhất về giải pháp xây dựng niềm tin, chẳng hạn như nới lỏng những hạn chế về thương mại và du lịch ở khu vực biên giới tranh chấp Kashmir, mặc dù việc tháo gỡ bất đồng trong vấn đề lãnh thổ vốn gai góc và việc chống lại các chiến binh được cho là sẽ không có bước tiến triển nào đáng kể. Đối thoại lần này là cơ hội để Ấn Độ nhấn mạnh với Pakistan những quan ngại về các nhóm chiến binh như Lashker-e-Taiba (LeT), lực lượng bị cáo buộc liên quan đến vụ khủng bố Mumbai năm 2008.

Theo cựu đại sứ Ấn Độ tại Mỹ Lalit Mansingh, đối thoại sẽ không giải quyết được các vấn đề, nhưng chuyển tải thông điệp đến thế giới rằng, hai nước sẽ không đi đến chiến tranh. Tiến trình hòa bình vốn chậm chạp được cảnh báo sẽ bị tổn thương một lần nữa bởi các chiến binh có căn cứ ở Pakistan khơi mào cho chiến tranh bằng vụ tấn công nhằm vào trung tâm tài chính Mumbai trong tháng 7 này khiến ít nhất 23 người chết và hơn 130 người khác bị thương. Sự kiện Mumbai kinh hoàng của tháng 11-2008 một lần nữa tái diễn. Song, cảnh sát đến nay vẫn chưa xác định được nghi phạm mặc dù các nhà phân tích hướng sự nghi ngờ vào nhóm chiến binh Mujahideen.

Hòa bình ở khu vực biên giới Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan đóng vai trò quan trọng với Mỹ trong kế hoạch rút quân và bình ổn Afghanistan. Thậm chí, Washington xem quan hệ giữa 2 đối thủ láng giềng này có tính chất sống còn với Afghanistan thời hậu chiến. Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đến thủ đô New Delhi, thúc giục Ấn Độ và Pakistan bình thường hóa quan hệ.

Tuy nhiên, hàng loạt quan ngại đặt ra cho Ngoại trưởng 34 tuổi của Pakistan rằng, bà có đủ kinh nghiệm để giải quyết một trong những mối quan hệ biên giới phức tạp nhất vốn đã dẫn đến 3 cuộc chiến tranh kể từ năm 1947 hay không. Theo Alexander Neil - nhà phân tích châu Á tại một viện nghiên cứu ở thủ đô London (Anh), mức độ ngờ vực giữa 2 người hàng xóm Nam Á vẫn còn quá cao để có thể thúc đẩy đối thoại.

THIÊN BÌNH

 

;
.
.
.
.
.