1. Vụ tờ báo lá cải hàng đầu của Anh bị đóng cửa sau bê bối nghe lén điện thoại làm rung chuyển cả đế chế của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch lẫn giới chính trị nước này.
Phóng viên, nhân viên phòng Thời sự của NoW trong ngày làm việc để ra số báo cuối cùng. Ảnh: AP |
Ngày 10-7 đánh dấu ấn bản cuối cùng của tờ News of the World (NoW), tờ báo lá cải đã tồn tại suốt 168 năm ở Anh. Ngoài việc dòng tít trên trang bìa in dòng chữ “Cảm ơn và tạm biệt”, trong một bài xã luận, NoW đã xin lỗi độc giả và gọi đây là “tờ báo vĩ đại nhất thế giới, 1843-2011”. “Sau 168 năm, chúng tôi rất buồn nhưng tự hào khi nói lời vĩnh biệt tới 7,5 triệu độc giả trung thành”, NoW viết.
Nước Anh đang chứng kiến sự sụp đổ của tờ báo phát hành định kỳ vào chủ nhật và có số lượng phát hành lên đến 2,8 triệu bản mỗi tuần. Đế chế News Corp. - tập đoàn truyền thông lớn thứ ba thế giới - của Murdoch mất đi một tờ báo lá cải hàng đầu câu độc giả bằng những thông tin “giật gân” và khai thác chuyện đời tư của những nhân vật nổi tiếng. Các cơ quan khác trong hệ thống News Corp. (sở hữu các tờ báo ở Anh: The Sun, The Times và Sunday Times) cũng có thể ít nhiều bị hiệu ứng domino. Vụ bê bối này có thể khiến việc tiếp quản hãng BSkyB của News Corp. với giá 14 tỷ USD gặp nhiều trở ngại. Bản thân ông Murdoch đối mặt với những chỉ trích và sự phẫn nộ của người dân Anh khi cáo buộc cho rằng, NoW đã trả tiền cho cảnh sát để săn tin và xâm nhập vào hộp thư thoại của những nạn nhân bị giết trong vụ khủng bố ở London năm 2005 cũng như của các gia đình có binh sĩ thiệt mạng tại Iraq, Afghanistan. NoW còn dính cáo buộc nghe lén điện thoại di động của nạn nhân các vụ phạm tội, các nhân vật nổi tiếng như ngôi sao và chính trị gia.
2. “Khai tử” NoW thì tờ báo được xem là có nhiều người đọc nhất hơn bất kỳ tờ báo tiếng Anh nào khác trên thế giới có thể được thay thế bằng phiên bản Chủ nhật của tờ The Sun. Tuy nhiên, đằng sau vụ scandal “gây choáng váng” này là cả hậu trường bê bối trong giới truyền thông của Anh. Câu chuyện về đạo đức tác nghiệp, câu chuyện về tính chính thống của báo chí cùng hàng loạt vấn đề khác trong việc khai thác thông tin được đặt ra, chẳng hạn như việc trả tiền cho nguồn tin để đăng tin - cách làm của NoW dưới thời Murdoch, nói đúng hơn là dưới bàn tay của James Murdoch, con trai út sinh năm 1972 của ông trùm người Mỹ. Dẫu báo Independent nổi tiếng của Anh nhận định rằng, hầu hết các nhà báo và các tờ báo đều nhận biết sự khác biệt giữa đạo đức và phi đạo đức, hợp pháp và phi pháp, nhưng vẫn không thể dập tắt được sự hoài nghi về chuẩn mực trong báo chí ở quốc gia châu Âu này. Trong vòng 30 ngày tới, một hội đồng độc lập sẽ được thành lập để đưa ra các đề xuất thắt chặt các quy tắc đưa tin báo chí.
Andy Coulson - cựu Tổng Biên tập NoW, cựu Giám đốc truyền thông của Thủ tướng Anh David Cameron bị bắt là đòn giáng nặng nề đối với nhà lãnh đạo Tòa nhà số 10 phố Downing. 4 nhân vật nữa, trong đó có Clive Goodman - một cựu Tổng Biên tập khác của NoW - cũng bị tạm giữ và thẩm vấn. Thủ tướng Cameron cho rằng, vụ bê bối không chỉ liên quan đến vài phóng viên của một tòa báo, không chỉ về truyền thông mà còn là vấn đề của cảnh sát, công việc của các chính trị gia và các chính sách.
Trước họa vô đơn chí, Thủ tướng Anh đã cam kết tiến hành điều tra và “hoàn toàn nhận trách nhiệm” về việc đã bổ nhiệm Coulson. Ông Cameron buộc phải xoa dịu phản ứng của phe đối lập cũng như của cử tri Anh. Đảng Bảo thủ nắm quyền và cá nhân ông luôn bảo đảm về sự mẫn cán và chính trực của Coulson nhưng câu trả lời phơi bày trước bàn dân thiên hạ đều ngược lại với những đánh giá, đề cử của nhà lãnh đạo Anh. Theo các nhà phân tích, NoW chết và kéo theo hàng loạt hệ lụy là cái giá phải trả cho việc Chính phủ trung hữu của ông Cameron đã trao cho Murdoch quá nhiều quyền lực truyền thông.
VĨNH AN