.

Nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan

.
Bà Yingluck Shinawatra cam kết nỗ lực hết mình trong Chính phủ mới sau bất ổn chính trị kéo dài suốt 5 năm. Từ một thương gia thành công, nay bà Yingluck Shinawatra sẽ trở thành nữ lãnh đạo đầu tiên của Thái Lan sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử ngày 3-7, theo bước của người anh - cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Mô tả ảnh.
Bà Yingluck Shinawatra trong vòng vây của những người ủng hộ. Ảnh: AP
 
Sinh ngày 21-6-1967, Yingluck là con gái út trong gia đình có 9 người con. Bà tốt nghiệp Đại học Chiang Mai ở Thái Lan vào năm 1988 với chuyên ngành Khoa học chính trị và Quản trị doanh nghiệp, sau đó lấy bằng thạc sĩ tại Đại học Kentucky của Mỹ. Theo đuổi việc kinh doanh gắn liền với gia đình Shinawatra, bà Yingluck giữ cương vị Tổng Giám đốc của AIS - nhà cung cấp dịch vụ di động lớn nhất ở Thái Lan và là Tổng Giám đốc của Công ty SC Asset chuyên về lĩnh vực bất động sản.  

Hai tháng trước, người dân Thái Lan vẫn còn mơ hồ và không mấy mặn mà đối với nữ chính trị gia của dòng họ Shinawatra. Song, trong quá trình vận động tranh cử, bà Yingluck đã chứng minh sự sắc sảo, nhạy bén, thông minh, nhiệt huyết và đầy quyến rũ. Gạt bỏ suy nghĩ bà không có kinh nghiệm chính trường so với Thủ tướng của Đảng Dân chủ Abhisit Vejjajiva, cử tri vốn mệt mỏi vì sự bế tắc suốt 5 năm qua đã lựa chọn nhà lãnh đạo của Đảng Pheu Thai (Vì người Thái) xinh đẹp vì tin vào những cam kết về sự hòa hợp, cảm thông với người dân nghèo, như nền tảng chính trị mà gia đình Shinawatra vốn theo đuổi.

Cử tri Thái không thấy ứng viên của Pheu Thai tranh cãi về vấn đề chính sách với đảng cầm quyền, mà là những cam kết cụ thể như khôi phục nền kinh tế, cải thiện đời sống người dân, bảo đảm công lý theo quy định của pháp luật. Các thông điệp mà bà chuyển tải là cương lĩnh sống còn của Pheu Thai, là các chính sách mang màu sắc dân túy theo kiểu Thaksin vốn được sự ủng hộ của người dân nông thôn và người nghèo ở thành thị. Các thông điệp của bà đáp ứng yêu cầu của các nhóm khác nhau, từ nông dân, người nghèo, đến trí thức, tầng lớp trung lưu, thậm chí còn đề cập đến cả những điều mà Đảng Dân chủ chưa hoàn thành trong gần 3 năm qua dưới thời của ông Abhisit.

Song, những thách thức ở chặng đường phía trước của bà Yingluck không dễ dàng vượt qua khi còn những bất ổn và sự chia rẽ chính trị âm ỉ. “Vẫn có nhiều việc trong tương lai, vì lợi ích của người dân và vì sự thống nhất, hòa giải dân tộc của đất nước”, bà Yingluck phát biểu trong niềm vui chiến thắng.

Hãng AP cho biết, ngày 4-7, bà Yingluck đã công bố thỏa thuận hình thành Chính phủ liên minh 5 đảng, bao gồm: Pheu Thai, Chat Thai Pattana, Chat Pattana Phua Pandin, Palang Chon và Mahachon, nâng tổng số ghế hiện có của đảng liên minh tại Quốc hội lên 299/500 ghế, từ con số 265 ghế giành chiến thắng trong bầu cử. Trong khi đó, Đảng Dân chủ chỉ có 160 ghế. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Bangkok, bà Yingluck nhấn mạnh cần thiết phải hòa giải dân tộc và xây dựng lại kinh tế. Theo báo The Nation, Chính phủ mới phải giải quyết vấn đề tham nhũng và Pheu Thai không có chính sách ân xá cho bất kỳ cá nhân nào.

Sau thất bại, Thủ tướng đương nhiệm Abhisit cũng tuyên bố từ chức lãnh đạo của đảng cầm quyền. Đảng này sẽ nhóm họp trong vòng 3 tháng tới để chọn người kế nhiệm. Điều đáng nói là quân đội đầy quyền lực đã chấp nhận chiến thắng của Pheu Thai và các nhà phân tích cho rằng, đây là dấu hiệu mở ra sự ổn định của một đất nước chìm trong bất ổn từ sau cuộc đảo chính năm 2006. Hãng Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng mãn nhiệm Prawit Wongsuwon rằng, quân đội cam kết không can thiệp hoặc ngăn cản việc hình thành Chính phủ của bà Yingluck. Tuyên bố của ông Wongsuwon dường như xua tan mối quan ngại về ẩn số quân đội bởi lịch sử Thái Lan từng chứng kiến 18 lần đảo chính quân sự kể từ khi nền dân chủ được thiết lập ở đất nước châu Á này vào những năm 1930.

Chiến thắng của bà Yingluck cũng mở đường cho sự trở về của cựu Thủ tướng Thaksin sau thời gian dài sống lưu vong. Song, từ Dubai, ông Thaksin nói rằng không muốn trở về nước.

PHÚC NGUYÊN
;
.
.
.
.
.