Thắng lợi áp đảo của Đảng Pheu Thai (Vì người Thái) trong cuộc bầu cử ngày 3-7 mở đường để bà Yingluck Shinawatra trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan.
Hãng AFP dẫn kết quả do Ủy ban Bầu cử cho biết, với 92% số phiếu được kiểm, Đảng Pheu Thai của bà Yingluck Shinawatra, em gái của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, giành được 260/500 ghế trong Quốc hội, vượt quá yêu cầu cần thiết để thành lập Chính phủ. Trong khi đó, Đảng Dân chủ của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva có 163 ghế.
Phát biểu với báo giới, bà Yingluck tuyên bố chiến thắng. Thủ tướng Abhisit đã thừa nhận thất bại và chúc mừng đối thủ của mình. “Tôi chúc mừng Đảng Pheu Thai có quyền thành lập Chính phủ”, ông Abhisit nói.
Từ Dubai, cựu Thủ tướng Thaksin cũng điện thoại chúc mừng thắng lợi của bà Yingluck. Trả lời phỏng vấn phát sóng trên đài PBS của Thái Lan, ông Thaksin gọi kết quả sơ bộ là một bước tiến và kêu gọi tất cả các bên tôn trọng quyết định của cử tri. Theo ông, cử tri muốn thấy sự hòa giải dân tộc và họ đã bỏ phiếu vì sự thay đổi.
Khoảng 47 triệu cử tri đã tham gia bỏ phiếu để lựa chọn 500 nghị sĩ trong số 40 đảng. Khi kết quả được công bố trên truyền hình, những người ủng hộ Pheu Thai vỡ òa trong niềm vui chiến thắng và hò reo tại trụ sở của đảng này ở Bangkok. Cuộc bầu cử là phép thử đối với Thái Lan trong việc kết thúc khủng hoảng chính trị kéo dài 5 năm qua và là cuộc đua giữa Đảng Dân chủ cầm quyền với Đảng Pheu Thai. Ông Abhisit, vị chính khách sinh ra ở Anh và được thụ hưởng nền giáo dục của Đại học Oxford danh tiếng, nỗ lực đấu tranh cho sự nghiệp chính trị của mình sau gần 3 năm nắm quyền. Tuy nhiên, Đảng Dân chủ già cỗi của ông vốn được sự ủng hộ vững chắc của cả Bangkok lẫn miền nam thì nay lại trượt dài ở những khu vực truyền thống này. Còn nữ doanh nhân xinh đẹp 44 tuổi tuy không có kinh nghiệm chính trường nhưng chiếm ưu thế bởi bà là em gái của cựu Thủ tướng luôn được sự ủng hộ của người dân nông thôn cũng như người nghèo ở thành thị, và cũng bởi bà “không có tì vết”. Yingluck đang cam kết làm sống lại các chính sách mang màu sắc dân túy theo kiểu Thaksin.
Nếu kết quả được chính thức xác nhận sẽ đánh dấu sự trở lại của các đồng minh với ông Thaksin, nhưng cũng sẽ báo hiệu nguy cơ xuất hiện những bất ổn chính trị. Trong lúc diễn ra bầu cử, Hãng AP dẫn lời nhà khoa học chính trị Siripan Nogsuan Sawasdee tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok cho rằng, Thái Lan “đang ở ngã ba đường”. Theo chuyên gia này, nếu kết quả của cuộc bầu cử dân chủ không được tôn trọng, Thái Lan sẽ trở về với con số 0, thêm biểu tình, thêm bạo lực. Thậm chí, Giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Ernest Bower đánh giá: Việc ai chiến thắng ít quan trọng hơn việc kết quả bầu cử được chấp nhận hay không. Nhiều người quan ngại cuộc bầu cử có thể mở ra một kỷ nguyên biến động mới khi kết quả không được chấp nhận hoặc dẫn đến đảo chính.
Cựu Thủ tướng Thaksin không phải là ứng viên nhưng sự kiện ngày 3-7 còn được đánh giá là cuộc trưng cầu dân ý đối với “di sản” khổng lồ của ông. Bị lật đổ trong cuộc đảo chính vào năm 2006, ông Thaksin hiện sống lưu vong ở Dubai để thoát án tù 2 năm vì cáo buộc tham nhũng. Sống cách quê nhà hàng ngàn km, nhưng cựu Thủ tướng bị chỉ trích đã điều khiển phe đối lập. Các chiến dịch của lực lượng này mang biểu ngữ “Thaksin nghĩ, Pheu Thai hành động”. Giám đốc Viện An ninh và nghiên cứu quốc tế Thitinan Pondsudhirak nhận định: Phần thắng thuộc về đảng của bà Yingluck nghĩa là cựu lãnh đạo 61 tuổi Thaksin chiến thắng.
AP cho rằng, câu hỏi đang đặt ra là điều gì sẽ đến đối với đất nước có 66 triệu dân vốn được biết đến là “vùng đất của những nụ cười”. Quân đội và nền quân chủ có chấp nhận Chính phủ thân Thaksin hoặc sự trở lại của triều đại Thaksin hay không? Phe thất bại sẽ tràn xuống đường với các cuộc biểu tình mới? Một cuộc đảo chính sẽ xảy ra bởi lực lượng quân đội đầy quyền lực luôn là ẩn số lớn nhất trong cuộc tổng tuyển cử mang tính bước ngoặt này?
VĨNH AN