.

Thái Lan sôi động trước bầu cử

.
Theo giới quan sát, kết quả tổng tuyển cử ở Thái Lan vào ngày 3-7 tới có nguy cơ lớn dẫn đến bất ổn chính trị.

Mô tả ảnh.
Thủ tướng Abhisit Vejjajiva trong chiến dịch tranh cử tại Bangkok. Ảnh: AFP
 
Sự kiện ngày 3-7 tới được xem là cuộc đua song mã giữa Đảng Dân chủ của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva với Đảng Pheu Thai do bà Yingluck Shinawatra, em gái của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra lãnh đạo.

Hai đảng đều đưa ra những cam kết để lấy lòng cử tri. Đảng Dân chủ khẳng định trong 2 năm sẽ tăng lương tối thiểu mỗi ngày lên 25% từ mức hiện nay 5 - 7 USD, tùy theo khu vực; tăng thu nhập của nông dân lên 25% bằng việc trợ cấp phân bón, bảo đảm tài chính cho việc sản xuất nông nghiệp; miễn phí giáo dục cho đến 18 tuổi, thực hiện việc cho vay đối với 250.000 sinh viên... Trong khi đó, Đảng Pheu Thai cam kết bảo đảm mức lương tối thiểu mỗi ngày 10 USD và sẽ tăng gấp 3 lần đến năm 2020; cung cấp phúc lợi xã hội hằng tháng từ 600 - 1.000 baht cho những người từ 60 - 90 tuổi...

Đảng Pheu Thai đang dẫn đầu về tỷ lệ ủng hộ, theo các kết quả thăm dò trước bầu cử, và khả năng bà Yingluck sẽ là Thủ tướng mới. Nếu Pheu Thai giành thắng lợi và hình thành Chính phủ, sẽ có cơ hội để các đồng minh của ông Thaksin trở lại chính trường nhưng phong trào “áo vàng” của Liên minh Dân chủ nhân dân (PAD) có thể tràn ra đường phố một lần nữa. Nếu Pheu Thai thất bại, nhiều khả năng Thái Lan sẽ tràn ngập sắc đỏ của Mặt trận Thống nhất dân chủ chống độc tài (UDD) như suốt 9 tuần ở Bangkok vào năm 2010, cuộc biểu tình biến thành bạo lực với 90 người thiệt mạng. 

Thái Lan đã chìm trong khủng hoảng chính trị trong gần 6 năm kể từ khi ông Thaksin bị lật đổ trong cuộc đảo chính vào tháng 9-2006 và đang sống lưu vong ở Dubai để tránh án tù vì cáo buộc tham nhũng. Dự kiến ngày 2-8 tới, Quốc hội mới nhóm họp để bầu chọn Chủ tịch cơ quan lập pháp này và 30 ngày sau đó sẽ bỏ phiếu chọn tân Thủ tướng. Theo các nhà phân tích, Đảng Dân chủ là đảng già cỗi ở Thái Lan nhưng chưa từng chiến thắng trong bất kỳ cuộc bầu cử nào suốt 2 thập niên qua. Đảng Dân chủ nắm quyền vào tháng 12-2008 sau khi tòa án giải thể đảng thân với ông Thaksin vì phán quyết gian lận trong cuộc bầu cử vào tháng 12-2007.

Trong lúc các chiến dịch tranh cử cuối cùng đang diễn ra ở Thái Lan, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi bầu cử ở Thái Lan nên diễn ra trong hòa bình và công bằng, tin cậy, minh bạch. Ông Ban Ki-moon thúc giục tất cả các đảng kiềm chế bạo lực trước, trong và sau ngày 3-7, đồng thời chấp nhận, tôn trọng ý nguyện của cử tri. Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ tuy hy vọng bầu cử ở Thái Lan sẽ mở ra tiến trình hòa giải dân tộc, nhưng cũng bày tỏ lo ngại về sự bất ổn mới có thể làm hủy hoại vai trò của đồng minh châu Á lâu đời nhất với Washington. Hãng AFP cho hay, nhiều người dân Thái Lan cũng đang kỳ vọng vào động thái của quân đội nước này, lực lượng vốn không xa lạ trong việc can thiệp chính trị sau hàng loạt cuộc đảo chính kể từ năm 1932.

Báo Bangkok Post cũng cho biết, căng thẳng giữa Thái Lan và Campuchia xung quanh ngôi đền cổ Preah Vihear đang phủ bóng xuống tình hình chính trị của Bangkok khi đất nước này sắp bước vào cuộc bầu cử. Thủ tướng Abhisit đã chỉ trích Đảng Pheu Thai và ông Thaksin cùng với Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Ông Vejjajiva cho rằng, với mối quan hệ riêng với cựu Thủ tướng Thaksin, nhà lãnh đạo Campuchia Hun Sen muốn cử tri Thái thay đổi Chính phủ, kết thúc tranh chấp với Phnom Penh. Trước đó, ông Abhisit cũng công kích các đồng minh của Thaksin, bao gồm cựu Ngoại trưởng Noppadon Pattama và Đảng đối lập Pheu Thai, với cáo buộc các nhóm của ông Thaksin có quan hệ thân thiết với Campuchia và ủng hộ kế hoạch của Phnom Penh trong vấn đề đền cổ Preah Vihear.

BÌNH YÊN
;
.
.
.
.
.