.
Thế giới tuần qua:

Ai Cập “thay máu”

.

Thủ tướng Ai Cập Essam Sharaf đã lựa chọn Ali al-Silmi, lãnh đạo một trong số các đảng chính trị già cỗi của đất nước này, và nhà kinh tế học Hazem El Beblawi làm Phó Thủ tướng, đồng thời chấp nhận đơn từ chức của Ngoại trưởng Mohammed El-Orabi. Ai Cập đang thực hiện cuộc “thay máu” sâu rộng để xoa dịu làn sóng biểu tình của những người vốn chỉ trích những bước đi chậm chạp trong việc cải tổ Chính phủ. 

Ông Sharaf dự kiến công bố nội các mới vào hôm nay (18-7, theo giờ địa phương) và theo đó thay 15 Bộ trưởng. Việc Ngoại trưởng Orabi từ chức đã mở đường để thực hiện cải tổ mặc dù ông mới được bổ nhiệm phụ trách Bộ Ngoại giao vào đầu tháng này để thay thế Nabil Elaraby, người trở thành Tổng Thư ký Liên đoàn Arab.

 

Mô tả ảnh.
Hàng ngàn người đã tập trung ở Quảng trường Tahrir tại Cairo để yêu cầu cải cách chính trị.                                                                                                                    Ảnh: Getty Images/AFP


Tân Phó Thủ tướng 74 tuổi Beblawi là giáo sư kinh tế, cựu thư ký điều hành Ủy ban Kinh tế - xã hội Tây Á của Liên Hợp Quốc (ESCWA), cố vấn của Quỹ Tiền tệ Arab tại Abu Dhabi. Trong khi đó, ông Silmi - 75 tuổi, cựu Ngoại trưởng dưới thời Tổng thống Anwar Sadat vào những năm 1970 - hiện là lãnh đạo của Đảng Wafd theo đường lối tự do. 

 


Việc cải tổ lần thứ ba kể từ khi ông Hosni Mubarak bị lật đổ được kỳ vọng sẽ vén bức màn tươi sáng cho Ai Cập. Đến lúc này, tương lai của Ai Cập vẫn là dấu chấm hỏi bởi các cuộc biểu tình vẫn diễn ra, đình công trở thành vấn đề quen thuộc hằng ngày, lan rộng đến các ngân hàng, khu vực giao thông công cộng, ngành công nghiệp xây dựng và cả ngành y tế, chủ yếu nhằm phản đối Thủ tướng Sharaf không có những bước đi mạnh mẽ, kiên quyết để “thay máu” nội các, giải quyết bài toán khó - sản phẩm ì ạch của chế độ Mubarak. Việc “thay máu” mà ông Sharaf thực hiện trước đó chỉ là “bình mới rượu cũ” nên tạo ra sự bất bình cho dân chúng. 

Thời ông Mubarak nắm quyền, tiền lương ở lĩnh vực công cực thấp, chỉ vỏn vẹn khoảng 50 USD/tháng, bao gồm cả tiền thưởng. Khoảng cách giữa người giàu và người nghèo cứ nới rộng. Trong khi đó, giá cả không ngừng leo thang, tình trạng thất nghiệp được ví như căn bệnh trầm kha không có thuốc chữa.

Chính vấn đề nghèo đói là chất xúc tác cho cuộc cách mạng 18 ngày hồi đầu năm nay và làm dấy lên hy vọng cải thiện được các điều kiện làm việc cũng như cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, với nhiều người lao động, sự thay đổi sau 5 tháng kể từ khi ông Mubarak bị lật đổ diễn ra quá chậm chạp. Những mục tiêu “bánh mì, tự do và công bằng” được đặt ra vẫn chưa được đáp ứng. Nhiều người đã mệt mỏi, chán ngán với biểu tình nhưng vẫn đổ xuống đường phố Cairo, bởi không hài lòng về những việc làm và lời hứa của Hội đồng tối cao của lực lượng quân đội và Chính phủ. Xã hội Ai Cập lại chia rẽ. Số vụ trộm cắp và tội phạm gia tăng do thiếu sự hiện diện của cảnh sát trên đường phố. Ngành công nghiệp du lịch sụt giảm du khách, trong khi ngành sản xuất công nghiệp cũng bị ảnh hưởng.

Thủ tướng Sharaf không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc “thay máu” với hy vọng giải quyết những tồn tại, xoa dịu bất đồng và hàn gắn đất nước.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.