Diễn đàn khu vực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 18 (ARF 18) tại hòn đảo Bali xinh đẹp của Indonesia vào cuối tuần qua được xem là cột mốc quan trọng đánh dấu sự hợp tác của các bên sang giai đoạn mới, từ giai đoạn xây dựng lòng tin đến giai đoạn ngoại giao phòng ngừa.
Trong lúc xảy ra những tranh chấp xung quanh vấn đề lãnh thổ, nhất là căng thẳng trên Biển Đông thời gian gần đây, ngoại giao phòng ngừa là bước đi cần thiết nhằm ngăn chặn bất đồng nổi lên giữa các bên, ngăn chặn bất đồng đó leo thang thành xung đột và lan rộng. ARF 18 diễn ra khi Hiệp hội gồm 10 quốc gia đang nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, củng cố vai trò chủ đạo trong khu vực và nâng cao vai trò trên trường quốc tế. Song, đối diện với cơ hội cùng những thách thức truyền thống và phi truyền thống, ASEAN cần nỗ lực hợp tác chặt chẽ không chỉ trong khu vực mà còn trên quy mô toàn cầu, hướng đến bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển bền vững.
Năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Tuy văn kiện này không có giá trị pháp lý, không có tính ràng buộc nhưng là nền tảng để tránh các cuộc xung đột trong khu vực. Tuy nhiên, suốt 9 năm qua vẫn chưa có hệ thống các hướng dẫn thực hiện để giải quyết hiệu quả hơn đối với các tranh chấp trên Biển Đông. Nguyên nhân do phía Trung Quốc có những hành động gây hấn, những tuyên bố mang tính răn đe khiến nhiều quốc gia quan ngại. Giới quan sát thậm chí mô tả yêu sách đường 9 đoạn rất đỗi vô lý của Bắc Kinh là muốn biến Biển Đông thành ao nhà. Vì thế, thỏa thuận vừa đạt được về những biện pháp hướng dẫn thực thi DOC giữa ASEAN và Trung Quốc tại Hội nghị Bali lần này là sự đột phá lớn, mở ra một giai đoạn mới cho ASEAN, bởi động thái này sẽ tiến tới việc hình thành bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc pháp lý chặt chẽ hơn đối với các bên. Song, giai đoạn mới không là con đường bằng phẳng, mà chứa đựng không ít thách thức nên ASEAN cần có những bước đi nhỏ trong hàng loạt vấn đề lớn.
Tại Bali, Trung Quốc đã có những tuyên bố ôn hòa và thiện chí hơn. Ông Lưu Chấn Dân - trợ lý Ngoại trưởng, Trưởng đoàn các quan chức cấp cao Trung Quốc - còn khẳng định mong muốn của Bắc Kinh là làm “bạn tốt, đối tác tốt, người láng giềng tốt với các nước ASEAN”. Dù có những bất đồng, thậm chí bất đồng đó biến thành những hành động quấy rối tàu Việt Nam và Philippines trên Biển Đông nhưng Trung Quốc cũng không muốn mất đi quan hệ hợp tác kinh tế với ASEAN, thị trường rộng lớn mang lại cho nền kinh tế thứ hai của thế giới những nguồn lợi khổng lồ.
Trong suốt những ngày diễn ra Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, ASEAN và các đối tác cũng như ARF 18, Việt Nam đã khẳng định vị thế và tiếng nói tại sự kiện chính trị - ngoại giao mang tầm quốc tế này. Dư luận báo chí quốc tế đánh giá cao sự đóng góp của Việt Nam vào thành công của các hội nghị ở Bali, nhất là lời kêu gọi của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đối với vấn đề tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng khẳng định về sự phát triển trong quan hệ giữa Việt Nam - Washington và mong muốn thúc đẩy mối quan hệ này lên tầm cao: Quan hệ đối tác chiến lược.
VĨNH AN