.

Trung Quốc ưu tiên an toàn tàu cao tốc

.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo cam kết việc điều tra vụ tai nạn tàu cao tốc sẽ minh bạch và dưới sự giám sát của công chúng.

 

Mô tả ảnh.
Người thân của các nạn nhân yêu cầu tìm sự thật về vụ tai nạn. Ảnh: AP

 

Phát biểu với báo giới ngày 28-7 tại thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, nơi xảy ra vụ tai nạn tàu cao tốc vào cuối tuần qua, Thủ tướng Ôn Gia Bảo khẳng định: Vấn đề an toàn là ưu tiên hàng đầu đối với đường sắt cao tốc của Trung Quốc để giành niềm tin từ các quốc gia khác. 

Ông Ôn Gia Bảo đã đề cập đến 4 tiêu chí trong phát triển đường sắt cao tốc, bao gồm: tốc độ phù hợp, chất lượng, hiệu quả và an toàn. Trong đó, nhà lãnh đạo này cho rằng, an toàn là yếu tố hàng đầu, bởi nếu không an toàn sẽ đánh mất sự tin cậy. “Tàu cao tốc của Trung Quốc sẽ chinh phục niềm tin của toàn cầu chỉ khi thật sự an toàn”, ông nói. 

Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã đến thành phố Ôn Châu để thanh sát việc điều tra và tình trạng của những người sống sót, cũng như gặp gỡ gia đình của 39 người thiệt mạng. Ông cho rằng, các đơn vị liên quan cần rút ra những bài học từ vụ tai nạn nghiêm trọng nhất của ngành đường sắt kể từ năm 2008 đến nay ở quốc gia này, đồng thời thúc giục các nhà chức trách nâng cao hiệu quả công việc và quản lý để bảo đảm an toàn cho đường sắt cao tốc. Đối với chiến dịch an toàn hệ thống đường sắt kéo dài 2 tháng vừa được phát động, Thủ tướng Ôn Gia Bảo kêu gọi mở rộng chiến dịch hướng vào tất cả các cơ sở hạ tầng giao thông, hầm mỏ, công trình xây dựng và những ngành công nghiệp liên quan đến hóa chất nguy hiểm.

Trong khi đó, các báo Trung Quốc cho rằng, lỗi tín hiệu và lỗi của con người là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn tàu cao tốc làm ít nhất 39 người thiệt mạng và 192 người khác bị thương. Hãng Tân Hoa xã dẫn lời người đứng đầu Cục Đường sắt Thượng Hải An Lusheng cho hay, hệ thống trên con tàu bị sét đánh đã không chuyển từ đèn xanh sang đèn đỏ. Thông tin được đưa ra giữa lúc các nhà chức trách đối mặt với sự tức giận của công chúng, nhất là xung quanh cách ứng phó chậm chạp của chính quyền ngay sau tai nạn. Việc 3 quan chức hàng đầu của Cục Đường sắt Thượng Hải bị sa thải cũng không làm giảm phản ứng tức giận của người dân. Nhiều người cho rằng, các nhà chức trách đã bỏ qua những nỗ lực cứu những người sống sót mà chỉ tập trung vào việc khôi phục dịch vụ của loại hình giao thông hiện đại này.

Theo AP, người dân cáo buộc rằng, các mảnh vỡ của 2 đoàn tàu đã bị chôn để khỏa lấp chứng cứ. Song, các quan chức lý giải rằng, động thái này nhằm giúp nhân viên cứu hộ tiếp cận được bên trong những toa tàu đổ nát. Hàng ngàn người đã bày tỏ thái độ tức giận trên blog và các trang mạng xã hội khác, yêu cầu phải làm rõ vì sao người điều khiển con tàu thứ hai không được cảnh báo kịp thời khi có một đoàn tàu khác đang dừng trên đường ray. Dư luận cũng đặt ra hàng loạt câu hỏi, chẳng hạn như số người chết thật sự có thể cao hơn con số được công bố và hệ thống đường sắt cao tốc phải chăng đang phát triển quá nhanh… Thậm chí, một số gia đình của các nạn nhân, trong đó có 2 người Mỹ và một người Ý, đã từ chối nhận tiền bồi thường nhưng chỉ yêu cầu có câu trả lời rõ ràng. 

Tai nạn nghiêm trọng giữa 2 đoàn tàu cao tốc là đòn giáng vào tham vọng về đường sắt cao tốc của Trung Quốc, vốn được xem là biểu tượng cho năng lực công nghệ và tốc độ phát triển kinh tế. Thủ tướng Ôn Gia Bảo phải lên tiếng trấn an rằng, cuộc điều tra sẽ được tiến hành minh bạch và kết quả phải công khai.

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.