London đã lắng dịu sau 4 đêm không ngủ và đỏ lửa vì bạo loạn. Lãnh đạo Công đảng Ed Miliband nói rằng, việc khôi phục lòng tin của công chúng là ưu tiên hàng đầu.
Ngày 10-8, khoảng 16.000 cảnh sát đã triển khai tại London với nỗ lực chấm dứt cuộc bạo động nghiêm trọng nhất ở Anh trong nhiều năm qua. Bất ổn vẫn lan rộng ở một số thành phố, mặc dù riêng thủ đô London trải qua đêm thứ tư khá yên tĩnh.
Theo Hãng AP, số cảnh sát có mặt trên đường phố London tăng lên 16.000 người, so với 10.000 người trong ngày 8-8. Các thành phố khác chìm trong bạo loạn như Manchester, Salford, Liverpool, Nottingham và Birmingham. Các nhà chức trách mô tả tình trạng ở “mức cực điểm của bạo loạn”. Đến nay, cảnh sát đã bắt giữ hơn 1.100 người trên khắp đất nước kể từ khi bạo lực bùng phát vào cuối tuần qua. Riêng London có 768 người bị bắt, hơn 100 nghi phạm bị truy tố, 113 người bị bắt ở Manchester và Salford, 50 người bị bắt ở Liverpool. Tại những thành phố này, hàng trăm thanh niên đã xung đột với cảnh sát khi họ cướp bóc ở các cửa hàng và đốt ô-tô cùng những tòa nhà. Cảnh sát tại Birmingham, thành phố lớn thứ hai của Anh, đã bắt giữ một người đàn ông và tiến hành điều tra sau vụ 3 người châu Á thiệt mạng trong làn sóng bất ổn này.
Báo Independent của Anh dẫn lời lãnh đạo Công đảng Ed Miliband cho biết, việc khôi phục lòng tin của công chúng và bảo đảm khởi động lại các công việc là những ưu tiên hàng đầu. Theo ông Miliband, các nhà chức trách địa phương phải được Chính phủ hỗ trợ kinh phí để thực hiện việc tái thiết trong lúc đất nước đối mặt với bài toán nợ công, thâm hụt ngân sách và khủng hoảng lòng tin của cử tri. Ông Miliband nhận định những nguyên nhân gây ra bạo loạn rất phức tạp, đồng thời yêu cầu phản ứng tích cực, mạnh mẽ hơn của Chính phủ.
Nguyên nhân dẫn đến làn sóng bạo động là cái chết của người lái taxi da màu, một trong những người biểu tình có tên Mark Duggan, 29 tuổi, tại quận Tottenham thuộc London. Điều tra ban đầu cho biết, Duggan không nổ súng trước nhưng bị cảnh sát bắn chết tại chỗ. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa của bất ổn ngoài chính sách “thắt lưng buộc bụng” vốn không được lòng dân chúng, còn là những vấn đề tồn tại trong xã hội, chẳng hạn như nạn thất nghiệp, các gia đình không kiểm soát được con cái... Trong số những người bị bắt ở London có cả thiếu niên 11 tuổi. Nhiều trẻ em từ 12-13 tuổi cũng hòa vào dòng người hôi của ở các cửa hàng.
Sau khi chủ trì cuộc họp khẩn để giải quyết khủng hoảng, Thủ tướng David Cameron đã chỉ trích những cảnh tượng trộm cắp, cướp bóc, phá hoại. Nhà lãnh đạo này cam kết làm tất cả những gì cần thiết để khôi phục trật tự trên các đường phố. Quốc hội Anh sẽ được triệu tập vào hôm nay (11-8) để các nghị sĩ cùng nhau lên án các tội ác và bàn thảo quyết tâm xây dựng lại các cộng đồng. Thị trưởng London Boris Johnson thúc giục Chính phủ xem xét lại các kế hoạch cắt giảm số lượng cảnh sát, một phần trong giải pháp “thắt lưng buộc bụng” để giảm thâm hụt ngân sách.
Theo các nhà phân tích, đây là thách thức lớn đối với Thủ tướng Cameron khi Chính phủ của ông vừa phải đối phó với nợ công, vừa phải xoa dịu phản ứng tức giận trong dân chúng và hàn gắn xã hội rạn nứt. Trong lúc đó, Hiệp hội Bảo hiểm Anh cho biết, thiệt hại cho các công ty bảo hiểm từ bạo loạn lần này có thể lên đến hàng chục triệu bảng Anh.
BÌNH YÊN