Các giao tranh lớn vẫn tiếp tục nổ ra vào sáng 22-8 khi quân nổi dậy tiến sát căn cứ địa Bab al-Aziziya của Tổng thống Gaddafi tại thủ đô Tripoli trong cuộc tiến quân “thần tốc” mà hầu như ít gặp sự kháng cự. Song, Hãng AP dẫn lời người phát ngôn của lực lượng nổi dậy Mohammed Abdel-Rahman cho biết, khi Tripoli sắp thất thủ, các xe tăng đã xuất hiện từ dinh thự của ông Gaddafi và khai hỏa dữ dội với nỗ lực bảo vệ nhà lãnh đạo nắm quyền suốt 41 năm và những người thân của ông. Tiếng súng và những tiếng nổ lớn đã vang lên liên tiếp ở Tripoli.
Theo Ali Suleiman Aujali, đại sứ của Chính phủ quân nổi dậy, TNC sẵn sàng tiến vào Tripoli và tiến hành bầu cử. “Libya đang đặt dưới sự kiểm soát của TNC”, ông Aujali nói, đồng thời cho biết thêm: Lữ đoàn của Tổng thống Gaddafi đã giương cờ trắng ở thị trấn Al-Brega.
Đến chiều 22-8, 95% khu vực của Tripoli đều do phe đối lập kiểm soát. Ít nhất 2 con trai của ông Gaddafi, Saif al-Islam và Saadi đã bị lực lượng đối lập bắt giữ tại thủ đô. Chưa có thông tin khẳng định người con trai cả là Mohammed có bị bắt hay không. Song, theo Reuters, Mohammed đã đầu hàng phiến quân. CNN cho biết, số phận của Saif al-Islam có thể do Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) quyết định. Công tố viên ICC Luis Moreno-Ocampo nói rằng, tòa án này sẽ sắp xếp đưa Saif al-Islam đến Hà Lan để hầu tòa vì cáo buộc “tội ác chống loài người”. Trước đó, ICC đã phát lệnh bắt đối với Tổng thống Gaddafi, Saif al-Islam và anh của nhà lãnh đạo Libya, Giám đốc Cơ quan Tình báo Abdullah al-Sanussi.
Vẫn chưa rõ nhà lãnh đạo Gaddafi ở đâu. Các hãng thông tấn dẫn nguồn tin ngoại giao cho hay, ông vẫn ở căn cứ địa Bab al-Aziziya. Kể từ tháng 5 đến nay, ông Gaddafi đã không xuất hiện trước công chúng nhưng thường xuyên phát đi những cuộn băng ghi âm tại những địa điểm bí mật với cam kết chiến đấu và không đầu hàng.
Một số khu vực phía đông Tripoli, bao gồm ngoại ô Tajoura, đã tụt khỏi tầm kiểm soát của Chính phủ. Trong lúc đó, Zawiya - thành phố ven biển quan trọng - cũng do phiến quân nắm giữ. Phe đối lập đã reo hò trong chiến thắng tại Quảng trường Xanh, biểu tượng của chế độ Gaddafi. Trong khi đó, tại Benghazi, hàng ngàn người cũng tập trung ở quảng trường trung tâm, bắn súng chỉ thiên để ăn mừng và cùng nhau vẫy cờ đỏ, xanh, đen của phe đối lập.
Mô tả chế độ của nhà độc tài nắm quyền ở Libya 41 năm đã đến “ngày tàn”, tức 6 tháng sau khi các cuộc nổi dậy của thế giới Arab diễn ra ở Tunisia và Ai Cập, Tổng thống Mỹ Barack Obama giục nhà lãnh đạo này từ chức để cứu người dân khỏi cảnh đổ máu. Trong bài phát biểu sau khi hội đàm với các quan chức hàng đầu Nhà Trắng, ông Obama kêu gọi thủ lĩnh phiến quân và TNC phải bảo đảm an toàn cho người dân, đồng thời theo đuổi sự chuyển tiếp dân chủ, toàn diện cho mọi người ở đất nước Bắc Phi này.
Mỹ cùng với các nước khác đã công nhận chính quyền của phe nổi dậy - TNC - là đại diện hợp pháp cho nhân dân Libya. Tổng thống Obama nói rằng, Washington sẽ tiếp tục giữ liên lạc chặt chẽ với TNC và phối hợp với các đồng minh, đối tác trên thế giới để bảo vệ người dân Libya cũng như ủng hộ cuộc chuyển giao sang dân chủ trong hòa bình. “Tương lai của Libya bây giờ thuộc về người dân Libya”, ông Obama nói.
Trong một tuyên bố ngày 22-8, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho rằng, chế độ Gaddafi “rõ ràng đang sụp đổ”. Theo ông Rasmussen, đây là lúc để tạo ra một Libya mới dựa trên tự do, dân chủ, không độc tài. Liên minh châu Âu (EU) cũng khẳng định thời đại của ông Gaddafi đã hết.
Tuy nhiên, người phát ngôn Chính phủ Libya Moussa Ibrahim bác bỏ nguồn tin trên mạng Al-Arabiya rằng, lực lượng bảo vệ của Tổng thống Gaddafi đã đầu hàng. Phát biểu với Hãng CNN, ông Ibrahim cho hay, Chính phủ Libya sẵn sàng đàm phán trực tiếp với phiến quân. Theo ông Ibrahim, hơn 65.000 người đang chiến đấu ở Tripoli và hàng ngàn người khác hỗ trợ cho Chính phủ. Người phát ngôn này cũng dự đoán về khả năng thảm họa nhân đạo nếu không kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức. Ông nói rằng, kể từ khi giao tranh bắt đầu vào ngày 20-8, đã có khoảng 1.300 người thiệt mạng và 5.000 người khác bị thương.
Trong lúc đó, Nam Phi bác bỏ thông tin rằng, nền kinh tế hàng đầu “lục địa đen” đã gửi máy bay cho Tổng thống Gaddafi hoặc có kế hoạch che giấu ông. Tổng thống Gaddafi là nhà lãnh đạo nắm quyền lâu nhất thế giới Arab. Các nhà phân tích quan ngại rằng, dù “pháo đài” 41 năm của ông Gaddafi thật sự sụp đổ nhưng tương lai của Libya vẫn bấp bênh trong khi những bài học Iraq vẫn còn đó. Nếu những người có chủ trương cứng rắn chiếm ưu thế trong TNC, Libya có thể rơi vào vết xe đổ của Iraq - nơi chứng kiến tình trạng bạo lực và đổ máu kéo dài sau khi Mỹ tiến hành cuộc chiến lật đổ chế độ Saddam Hussein vào năm 2003. Thủ tướng Thụy Điển Fredrik Reinfeldt cũng dẫn chứng trường hợp Iraq và lo ngại sẽ có nguy cơ xảy ra các hành động trả thù và bạo lực không kiểm soát được.
Hành trình quân nổi dậy đến Tripoli - 15-2: Biểu tình quy mô lớn bùng nổ ở các thành phố, trong đó có thủ đô Tripoli, nhằm yêu cầu kết thúc chế độ Gaddafi. |