Nỗ lực hồi phục nền kinh tế sau đợt suy thoái kinh tế thế giới trầm trọng hồi cuối năm 2007 chưa chấm dứt thì nguy cơ đợt suy thoái thứ hai chồng lên đang ở lơ lửng trước mắt người Mỹ.
Công ty dịch vụ tài chính Standard & Poor quyết định hạ điểm xếp hạng tín dụng của Mỹ xuống hồi tuần qua được các nhà phân tích kinh tế thế giới đón nhận không một chút bất ngờ bởi giống như châu Âu đã vất vả ngăn cản cuộc khủng hoảng nợ. Không bất ngờ nhưng không có nghĩa là không đáng lo với nhận định kèm theo rằng đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy có thể nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi trở lại khủng hoảng. Nếu đợt suy thoái lần hai xảy ra sẽ nghiêm trọng hơn lần thứ nhất bắt đầu từ tháng 12-2007.
Nền kinh tế thế giới nói chung và Mỹ nói riêng chỉ hồi phục trở lại từ tháng 6-2009 nhưng mức độ chậm và cho tới nay “sức khỏe” nhìn chung vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. “Sẽ rất thê thảm nếu chúng ta rơi vào khủng hoảng kinh tế vào lúc này bởi vì chúng ta vẫn còn chưa gượng dậy hoàn toàn từ cuộc khủng hoảng lần trước”, chuyên gia kinh tế cao cấp Conrad DeQuadros.
Với những thước đo sức khỏe nền kinh tế như việc làm, thu nhập, năng lực sản xuất công nghiệp hiện tại đều yếu hơn trước. Trong bốn năm kể từ khi suy thoái kinh tế bắt đầu, độ tuổi lao động đã tăng 3%. Nếu nền kinh tế khỏe mạnh thì số lượng việc làm cũng đã phải tăng với tỷ lệ tương đương. Ngược lại, số lượng việc làm ngày càng bị thu hẹp mà thống kê cho biết là giảm đi 5% so với trước. Lúc đó, tỷ lệ thất nghiệp chỉ là 5% thì nay là 9,1%. Ngay cả những người còn việc làm thì cũng phải bị cắt giảm thời gian, nhất là ở khu vực tư nhân. Nền kinh tế Mỹ theo định hướng người tiêu dùng đã bị ảnh hưởng nặng khi mà công việc làm ít đi, thu nhập giảm, không kể các khoảng thanh toán từ chính phủ như trợ cấp thất nghiệp chẳng hạn.
Tổng thống Obama thừa nhận “nhiệm vụ khẩn cấp” hiện nay là phải mở rộng nền kinh tế và tạo công ăn việc làm. Bộ trưởng Tài chính Timothy F. Geithner phát biểu trong buổi phỏng vấn của kênh truyền hình CNBC rằng Mỹ có quá nhiều việc phải làm bởi vì nền tài chính không bền vững dù ông tin vào khả năng tái tạo cơ bản của kinh tế Mỹ và người dân Mỹ. Chi tiêu tiêu dùng cùng với nhà ở thường là hai hướng chính để hồi phục kinh tế. Nhưng thu nhập quá thấp buộc người dân phải chi tiêu hà tiện chẳng khác gì lúc kinh tế mới rơi vào khủng hoảng. Giá nhà cũng đã giảm 24% từ tháng 12-2007, Mỹ hầu như không có “bộ đệm” để phục hồi trở lại.
Các nhà kinh tế nhận định nền kinh tế suy giảm 7% từ đầu năm tới nay so với khả năng của chính nó. Không giống như lần suy thoái đầu tiên, lúc này có rất ít biện pháp khắc phục nhằm thoát khỏi khó khăn. Lãi suất không thể đẩy thấp hơn nữa khi nó đã nằm sát con số 0. FED đã mua hàng tỷ USD chứng khoán thế chấp và trái phiếu kho bạc nhưng việc này không được các nhà kinh tế ủng hộ vì có thể làm đảo lộn nền kinh tế hơn là ổn định. Cuối năm 2007, nợ liên bang là 64,4% nền kinh tế thì lúc này được dự đoán là lên tới 100% tổng sản phẩm quốc nội. Đó là điều chưa từng thấy từ hậu thế chiến thứ hai.
Anh Thư